Theo phương án cước mà Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt hôm qua, Viettel chỉ được giảm cước cuộc gọi, tin nhắn... trong phạm vi cho phép 15%, thay cho mức 20% mà nhà khai thác này đã trình trước đó. Như vậy, bắt đầu từ 1/12, cước cuộc gọi nội mạng của Viettel chỉ còn 1.090 đồng một phút, mức cũ là 1.290 đồng. Cước gọi ngoại mạng là 1.290 đồng một phút, mức cước hiện tại là 1.390 đồng. Các gói khác như Economy, Daily, Tomato, Ciao cũng được giảm trung bình từ 15-17% so với mức cước cũ và thấp hơn khoảng 28% so với hai mạng di động VinaPhone và MobiFone có cùng công nghệ GSM.
![]() |
Cả nước đã có hơn 30 triệu thuê bao di động. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó giám đốc Viettel Telecom cho hay, lần giảm cước này được coi là mạnh nhất kể từ trước đến nay cho tất cả các dịch vụ của hãng. Theo tính toán ban đầu, mức giảm 15% này có thể khiến Viettel giảm thu khoảng 100 tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, khi cước giảm, lượng khách hàng tăng lên, nhu cầu gọi nhiều thì sẽ sớm bù đắp lại doanh thu bị thiếu hụt.
Sau Viettel, đến lượt Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xem xét phương án giảm giá 23-28% cho hai mạng di động VinaPhone và MobiFone mà họ đã trình trước đó. Nhà khai thác này nhẩm tính, nếu áp dụng mức cước mới, trong hai tháng đầu, doanh thu của VNPT sẽ sụt giảm khoảng 20%.
VNPT tính toán, nếu được phép giảm theo đúng khung giá mà họ trình thì cước của hai mạng di động VinaPhone và MobiFone sẽ ở ngưỡng ngang ngửa nhau. Như vậy, khi giá cước của bằng nhau, thị trường viễn thông tới đây sẽ chứng kiến cuộc chạy đua quyết liệt giữa các nhà khai thác dịch vụ về tốc độ đầu tư, nâng cấp dịch vụ và chế độ hậu mãi. Nếu được Bộ phê duyệt, VNPT sẽ áp dụng cước mới cho khách hàng ngay tại thời điểm giữa tháng 12 tới.
Trao đổi với VnExpress chiều nay, một quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết cơ quan này vẫn đang xem xét phương án giảm của VNPT. Quyết định cuối cũng sẽ được phê duyệt trong một vài ngày tới, mức giảm dự kiến sẽ tương đương với Viettel và theo đúng định hướng của Chính phủ là 15%. Như vậy, cước của VNPT vẫn cao hơn Viettel khoảng 10%.
Các nhà khai thác dịch vụ di động chạy đua giảm giá, khuyến mãi là câu chuyện không mới. Trong các đợt giảm cước trước, đầu tiên khách hàng được hưởng lợi, sau đó lại trở thành kẻ "chịu trận" khi mạng lưới có vấn đề. Giảm cước mạnh có thể khiến thuê bao di động tăng nhanh chóng, kéo theo các sự cố như nghẽn mạch, rớt cuộc gọi, tin nhắn lặp và khách hàng đôi lúc bị mất tiền oan.
Viettel Telecom từng tuyên bố "không cạnh tranh bằng giá cước mà bằng chất lượng dịch vụ". Lần này, Giám đốc Viettel Telecom Tống Viết Trung khẳng định: "Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho lần giảm giá". Ông cho hay, Viettel đang có 6.100 trạm BTS trên toàn quốc và hệ thống mạng lưới đủ đáp ứng cho 25 triệu thuê bao hoạt động. Viettel Telecom đang có 14 triệu khách hàng và con số này dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 20% nhờ đợt giảm cước mới này.
Ông Lê Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Thông tin Di động VMS - MobiFone - cũng khẳng định: "Với tốc độ đầu tư mạnh như hiện nay, chúng tôi đảm bảo không xảy ra các sự cố nghẽn mạch khi áp dụng mức cước mới".
Giới chuyên môn nhận xét, trong lúc giá cả hầu hết các mặt hàng đều tăng như hiện nay, việc giảm cước di động hỗ trợ phần nào chi tiêu của các thuê bao. "Tuy nhiên nói gì thì nói, mục đích chính của tất cả các lần giảm cước là các nhà khai thác muốn phát triển thuê bao", một chuyên gia viễn thông nói.
Ông phân tích, thời gian vừa qua, các nhà khai thác di động đã dốc cả tỷ USD để phát triển mạng lưới. Viettel đã có 6.100 trạm BTS, VinaPhone có 4.000, con số của MobiFone dự kiến đạt được đến hết năm là 7.000 trạm. Như vậy, nếu không có khách hàng thì chẳng khác nào một căn nhà lớn xây lên mà không có người ở. "Đây chính là nghịch lý, doanh nghiệp kêu thất thu nhưng vẫn chạy đua giảm giá để kích cầu thị trường", vị chuyên gia này nói.
Hồng Anh