Chị gái tôi, từng là kế toán cho một công ty, bị mất việc ở tuổi 44, độ tuổi gần như đã bị loại khỏi "cuộc chơi" nghề nghiệp.
Khi mất việc, chị nhận ra rằng "công việc làng nhàng" đồng nghĩa với không có nhiều cơ hội nếu có biến cố xảy ra. Giờ đây, khi không còn nhiều lựa chọn nghề nghiệp cho mình, chị nhìn đứa con đang học cấp hai bằng một ánh mắt khác.
Không còn là mong muốn "con cứ học cho vui", mà là nỗi sợ: Nếu không học hành tử tế, có nghề vững vàng, con chị rồi cũng sẽ rơi vào tình cảnh như mình, tức là bị gạt ra bên lề chỉ vì không đủ năng lực cạnh tranh trong xã hội.
Và từ đó, chị tôi trở thành người mẹ khó tính. Giám sát giờ học, ép con học thêm, kiểm tra bài vở mỗi tối. Dù con có than mệt, khóc vì áp lực, chị vẫn cứng lòng.
Không ít phụ huynh bị chỉ trích là tạo áp lực cho con, ép học quá mức, chạy theo thành tích. Nhưng có lẽ, không ai hỏi họ rằng: Nếu không làm vậy, thì họ biết phải làm gì?
Thị trường việc làm bây giờ, bằng cấp vẫn là tấm vé đầu tiên. Khi đoạt được tấm vé này thì mới có dịp xét đến kỹ năng. Không trang bị những thứ đó, đứa trẻ lớn lên sẽ không có gì để làm chỗ dựa.
Phụ huynh không tự nhiên mà khắt khe. Không ai muốn trở thành người suốt ngày cau có, kiểm soát con cái, hay khiến không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Nhưng thử hỏi, nếu chính họ, những người trưởng thành từng mất việc, từng bị đào thải, từng bị nhà tuyển dụng từ chối chỉ vì "không còn phù hợp", thì liệu họ có đủ dũng cảm để nói với con: "Không sao đâu, con cứ làm điều mình thích"?.
Và rất nhiều người trong số đó đã chọn cách duy nhất họ nghĩ là an toàn: ép con học.
Chúng ta có thể tranh luận về cách giáo dục con, nhưng không nên đơn giản hóa vấn đề bằng cách đổ lỗi cho phụ huynh. Tôi cũng thương đứa cháu bị ép học nhiều.
Nhiều phụ huynh không cần con mình trở thành bác sĩ, kỹ sư, giám đốc hay doanh nhân. Họ chỉ cần con mình sau này không phải lo chuyện tìm việc hay mất việc.
Các lựa chọn học tập và việc làm chưa đa dạng và thực tế, thì việc phụ huynh chọn con đường ép con học cũng là điều có thể hiểu được.
Cá nhân tôi cho rằng, thay vì chỉ trông chờ vào sự nỗ lực đơn lẻ của từng phụ huynh, chúng ta cần có những giải pháp thực chất hơn như giảm áp lực thi cử, mở rộng các lộ trình học nghề song song với học văn hóa, xây dựng hệ thống đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng số phổ cập và dễ tiếp cận cho mọi lứa tuổi.
Khi có nhiều con đường để lập nghiệp, cha mẹ sẽ không cần phải ép con mình đi theo một khuôn mẫu duy nhất.
Thiện Huỳnh