Trong tọa đàm "Thanh toán trực tuyến và những lợi ích cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Thẻ và Giải pháp thanh toán khối Khách hàng doanh nghiệp, VPBank chia sẻ cụ thể, chi tiết về những lợi ích của hình thức thanh toán này đem lại cho doanh nghiệp trong việc quản trị và tối ưu dòng tiền.
Theo đại diện VPBank, trong năm 2022 và đầu 2023, tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng tại nhà băng này tăng về cả số lượng và chất lượng. Cụ thể, lượng khách hàng sử dụng sản phẩm thanh toán trực tuyến năm 2022 tăng gấp đôi so với 2021, đến đầu 2023 tăng khoảng 80%. Yếu tố chất lượng được thể hiện qua doanh số giao dịch. "Doanh số giao dịch tăng gấp năm lần so với 2021 và ngày càng có xu hướng tăng", ông Huy nhận định.

4 chuyên gia trong tọa đàm "Thanh toán trực tuyến và những lợi ích cho doanh nghiệp". Ảnh: Giang Huy
Đại diện từ VPBank cũng chia sẻ lý do thanh toán trực tuyến qua thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng đang trở nên phổ biến và phát triển mạnh mẽ. Theo đó, việc thanh toán online qua thẻ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian khi có thể thực hiện mọi giao dịch ở bất cứ thời gian, địa điểm nào. Hình thức thanh toán này cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý chi tiêu, giảm chi phí vận hành và minh bạch dòng tiền.
Đặc biệt, khi sử dụng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, doanh nghiệp sẽ còn được hoàn tiền không giới hạn cho mọi chi tiêu, giao dịch. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được hoàn tiền 0,5% khi chi tiêu qua thẻ ghi nợ VPBiz Debit Cashback và 2% khi chi tiêu qua thẻ tín dụng VPBiz Mastercard Busines Standard.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ tín dụng VPBiz Mastercard Business Standard còn là phương án dự phòng vốn rất hiệu quả. Doanh nghiệp sẽ được cấp hạn mức thẻ lên tới 3 tỷ đồng và được miễn lãi 45 ngày để có thể bổ sung vốn kịp thời phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của mình.

Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Thẻ và Giải pháp thanh toán khối Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng VPBank. Ảnh: Giang Huy
Nếu Simplify là giải pháp dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bước đầu triển khai chuyển đổi số, Ecompay lại là cổng thanh toán được thiết kế riêng cho các doanh nghiệp đã có nền tảng công nghệ. Đặc điểm nổi bật của Ecompay thể hiện ở việc tích hợp API từ Website đến App Mobile, xử lý giao dịch thanh toán điện tử các loại thẻ quốc tế và nội địa từ Visa, Mastercard, JCB...
Nhờ sự hỗ trợ của Simplify hay Ecompay những rào cản về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ, nhân lực vận hành hệ thống có thể được tháo gỡ. "Ecompay hay Simplify là giải pháp thanh toán trực tuyến giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh trực tuyến dễ dàng và nhanh chóng", ông Huy chia sẻ.
Các chuyên gia dự báo, trong tương lai, độ phủ sóng của thanh toán trực tuyến sẽ được mở rộng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2021, có 980 triệu giao dịch trực tuyến, đến 2022, con số này tăng lên 2,1 tỷ với quy mô khoảng 80 USD mỗi giao dịch. Đây là thị trường rộng lớn cho các ngân hàng, công ty thanh toán, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp và cả người dùng.
Sự bùng nổ của thanh toán không tiền mặt cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nhà băng triển khai dịch vụ thanh toán và người dùng là đối tượng được hưởng lợi cuối cùng. Song song đó, khi hoạt động thanh toán được mở rộng, người dân nông thôn hay miền núi sẽ được tiếp cận và hưởng lượng nhiều hơn từ dịch vụ này.
Tương lai, triển vọng tăng trưởng của thị trường thanh trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy bởi tiềm năng kinh doanh với quy mô dân số lớn và cơ cấu dân số vàng. Thanh toán trực tuyến sẽ tăng về số lượng và chất lượng và hệ sinh thái kỹ thuật số đang trên đà tăng tốc... Chính phủ, các bộ ngành, ngân hàng và doanh nghiệp cũng đang xây dựng hành lang pháp lý, nền tảng công nghệ và áp dụng giải pháp này để tối ưu các lợi ích.
Tại tọa đàm "Thanh toán trực tuyến và những lợi ích cho doanh nghiệp" các chuyên gia sẽ phân tích bức tranh về thanh toán không tiền mặt cũng như những tác động tích cực của hình thức thanh toán này với doanh nghiệp.
Độc giả có thể theo dõi tọa đàm tại đây.
Thảo Vân