Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, TP Thanh Hóa luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thanh Hóa, là đô thị chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với vùng Bắc Trung bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh với cả nước.
Thành phố Thanh Hóa sau 20 năm thành lập đã hội tụ nhiều tiềm năng và đạt được kết quả đáng khích lệ, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, thu nhập bình quân đạt mức gần 4.000 USD/người/năm, tăng trưởng trung bình 14,5%. Cơ sở hạ tầng đô thị được đầu tư và phát triển mạnh mẽ, cảnh quan thay đổi hơn hẳn nhiều lần trước đây.
Tổng thu nhập ngân sách thành phố luôn chiếm 40% ngân sách toàn tỉnh… Đây là những bước tiến mang tính đột phá trong tiến trình xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện tại thành phố đã mở rộng từ 57 km2 lên gần 150 km2; 18 phường, xã nay đã là 37 phường, xã (gồm 20 phường, 17 xã) với gần 400.000 dân.
Trong lịch sử, tỉnh Thanh Hóa là khu vực hành chính tương đối ổn định và là một trong số ít địa phương của cả nước chưa hề có sự chia tách. Năm Giáp Tý triều Gia Long thứ 3 (1804), Hoàng đế Nguyễn Ánh đã quyết định dời trấn thành Thanh Hóa, lỵ sở Thanh Hoá cũ ở xã Dương Xá về Thọ Hạc làm trấn lỵ Thanh Hóa, mở đầu cho sự phát triển của tỉnh lỵ Thanh Hóa. Từ đó Thọ Hạc trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của trấn Thanh Hóa và là một trong 29 doanh, trấn của nước ta thời đó.
Đến năm 1831, vua Minh Mạng lấy riêng một trấn Thanh Hóa đặt làm tỉnh Thanh Hoa và đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đổi lại thành tỉnh Thanh Hóa. Năm 1889 thực dân Pháp ép vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Thanh Hóa; đến năm 1929 thực dân Pháp nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên thành phố Thanh Hóa với diện tích 4 km2 với 6 phường.
Năm 1945, Thanh Hóa lại trở thành thị xã theo Sắc lệnh số 11 của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định những thành phố thuộc tỉnh đều gọi là thị xã. Đến năm 1993, thị xã Thanh Hóa được công nhận là thành phố, trở thành đô thị loại III và đô thị loại II năm 2003. Sau nhiều biến cố lịch sử, với nhiều lần thay đổi địa điểm và tên gọi, TP Thanh Hóa luôn giữ vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật của Thanh Hóa.
Lê Hoàng