- Làm một cuộc tổng kết nho nhỏ về 20 năm ca hát đã qua, chị có thể nói gì về mình?
- Tôi thấy rằng, mình đã đóng góp được một phần nào đó cho âm nhạc bằng sức sáng tạo của riêng mình, và tôi đã được thỏa mãn khát vọng làm nghề. Nói là tự hào về bản thân thì chưa thể, vì tôi vẫn đang tiếp tục vươn lên trong đời sống âm nhạc, nhưng tôi tự tin vì mình đã lao động tâm huyết, nhọc nhằn từng ngày, từng ngày để có hôm nay.
![]() |
Ca sĩ Thanh Lam. Ảnh: Tiền Phong. |
- Sẽ có nhiều cái mốc quan trọng trên con đường nghệ thuật dài như vậy. Chị có thể điểm lại những cái mốc quan trọng nhất?
- Cái mốc quan trọng đầu tiên đánh dấu sự trưởng thành của tôi là năm 19 tuổi, khi đứa con đầu lòng của tôi mới 1 tuổi, tôi đi dự Liên hoan âm nhạc tại Cuba. Có tới 10.000 trong số 15.000 khán giả tại Liên hoan bỏ phiếu cho tôi và tôi trở thành ca sĩ được yêu thích nhất. Thành công ấy đem lại cảm giác sung sướng, choáng ngợp đối với tôi, một ca sĩ trẻ mới vào nghề.
Năm 21 tuổi tôi giành giải thưởng Lớn tại cuộc thi nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam, khi đang là ca sĩ của Đoàn ca múa nhạc nhẹ Trung ương. Đó là những dấu son đầu tiên khích lệ tôi trên con đường nghệ thuật. Sau này cũng có nhiều cái mốc khác, nhưng tôi nghĩ những dấu ấn đầu tiên là quan trọng nhất.
- Có một khoảng thời gian tương đối dài, chừng 4 năm, chị rơi vào im lặng. Khoảng thời gian đó chị vừa trải qua những đổ vỡ, mất mát của đời sống riêng. "Người đàn bà hát" Thanh Lam đã vượt qua những ngày tháng đó như thế nào?
- Có thể từ một hệ lụy của những mất mát trong đời sống riêng, trong một thời gian rất dài tôi thấy mình bị rỗng hoàn toàn, không còn nhiều hứng thú với âm nhạc.
Bây giờ nghĩ lại tôi thấy đó lại là những khoảng lặng quan trọng đối với người làm nghệ thuật. Nó giá trị ở chỗ, giúp mình nạp thêm những năng lượng của đời sống, để rồi sau đó khi tình yêu, lòng đam mê trở lại, mình có thể vươn cao hơn, xa hơn.
- Tuổi nghề của ca sĩ thường ngắn, vì ca hát là nghề thanh và sắc. Riêng Thanh Lam thì vẫn giữ được sự lôi cuốn với khán giả, cho dù tuổi đời của chị không còn trẻ nữa. Vậy, đâu là bí quyết của chị?
- Trong lần đi làm giám khảo Sao Mai - Điểm hẹn gần đây, nhạc sĩ Tô Hải có nói với tôi rằng: “Điều đáng yêu nhất của cháu là đã luôn giữ được sự trong sáng của tâm hồn”.
Tôi nghĩ đó cũng có thể là một bí quyết đối với người ca sĩ. Vì giọng hát là tấm gương phản chiếu tâm hồn người nghệ sĩ. Khi mình có sự biểu cảm xuất phát từ trong tâm hồn thì mình sẽ trở nên đẹp hơn, và giọng hát cũng đẹp hơn.
- Thử hình dung nếu không hát, Thanh Lam ngày hôm nay sẽ trở thành một người đàn bà như thế nào?
- Rất có thể tôi sẽ là một người đàn bà có một đời sống bình lặng, một đời sống mà bây giờ tôi đang rất mong muốn có được.
Tôi thích sự ngông cuồng của tuổi trẻ
- Là người đã đi qua nhiều sóng gió, chị thấy hai chữ "bản lĩnh" có ý nghĩa như thế nào đối với một người phụ nữ làm nghệ thuật?
- Tôi nghĩ cái gọi là "bản lĩnh" của tôi, một phụ nữ làm nghệ thuật, dường như được chắt lọc một cách tự nhiên ngay từ khi tôi còn nhỏ. Có nhiều người lớn rồi, trưởng thành rồi mới thích hát và đôi khi hát để đạt tới một mục đích nào đó trong cuộc đời.
Nhưng đối với tôi, hát là điều gì đó xuất phát từ trong vô thức. Tôi không lựa chọn nó, mà ngược lại, tôi được lựa chọn. Tôi cho rằng mỗi con người sinh ra đều được gánh một sứ mệnh nào đó.
Việc trở thành ca sĩ của tôi nằm ngoài mong muốn của gia đình. Cha mẹ tôi cho học đàn tì bà vì thấy giọng tôi trầm và khàn, không thể theo nghề hát. Nhưng tôi đã đi theo niềm đam mê của mình và trở thành tôi ngày hôm nay.
Và tôi nhận thấy rằng, thực ra tài năng của mỗi người chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại 60% phải là khát vọng. Sau đó mới là sự khổ công, nỗ lực... Nhưng chắc chắn phải có khát vọng thì mới đi lâu dài với niềm đam mê của mình được. Tất cả những thứ đó cộng lại sẽ làm nên bản lĩnh của một người nghệ sĩ.
- Nhân nói về câu chuyện bản lĩnh nghệ sĩ, nhìn lại phía sau mình, chị thấy gì qua những lựa chọn của các ca sĩ trẻ hôm nay?
- Lựa chọn âm nhạc cũng như lựa chọn một món ăn. Chỉ khác đây là món ăn tinh thần. Mỗi người sinh ra trong thời thế khác nhau sẽ có những lựa chọn khác nhau. Đối với riêng tôi, âm nhạc giống như một ước mơ, một giấc mơ, một cái gì mình không chạm tới, đầy mê hoặc và bí ẩn.
Âm nhạc không nên là thứ cơm ăn nước uống hằng ngày. Nó phải cao hơn thế. Và tiếng hát chính là cách để người ca sĩ “giải trình” cuộc sống của mình với người nghe. Sống thế nào thì sẽ hát như vậy, đó là điều tôi tin. Tôi rất thích sự "ngông cuồng" của tuổi trẻ.
Chấm thi một vài cuộc thi, tôi rất thèm được nhìn thấy sự ngông cuồng, nổi loạn (trong nghệ thuật) của các thí sinh. Nhưng quả thật là tôi rất ít được chứng kiến điều này.
Các em bây giờ làm nghệ thuật ít sự "ngông cuồng" quá, nó có gì đó vừa khôn ngoan vừa nhợt nhạt, dễ dãi trong nghệ thuật, dễ thỏa mãn với những thành công bước đầu. Tôi không thích điều này. Đối với tôi, nghệ thuật là phải nghiêm khắc với chính mình. Tôi chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những cái mình đã và đang làm cả.
- Ca sĩ trẻ hôm nay dựa dẫm nhiều vào cái gọi là công nghệ. Chị nghĩ sao?
- Hát đầu tiên là để thỏa mãn niềm đam mê được ca hát của chính mình, chứ không phải kỹ thuật. Khi người ca sĩ ham muốn thỏa mãn nhu cầu hát của chính mình, họ sẽ truyền cảm xúc, rung động đến với khán giả. Lớp trẻ hôm nay bị thúc bách bởi công nghệ nhiều quá. Khát vọng danh tiếng đã làm lu mờ đi sự đáng yêu của tâm hồn, của tuổi trẻ.
- Đã đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, và được xem là “người chị cả” của làng nhạc nhẹ Việt Nam, chị nhìn thấy bức tranh âm nhạc của chúng ta đang có màu sắc như thế nào?
- Tôi đã tham gia rất nhiều chương trình âm nhạc ở nước ngoài với tư cách là một ca sĩ Việt Nam và tôi nhận thấy rằng, có một thiệt thòi lớn cho những người làm âm nhạc nước mình, là chúng ta chưa có cái gọi là văn hóa yêu nghệ thuật. Hay nói khác đi, chúng ta chưa có thị hiếu nghe nhạc.
Vì thế người làm âm nhạc luôn phải đứng trước nhiều thử thách và đôi khi họ không có được sự thỏa thuê trong khát vọng của mình. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công rất nhọc nhằn để sống bằng nghề. Âm nhạc là con đường đầy chông gai. Ngay cả tôi cũng rất lo khi quyết định làm chương trình, vì kéo được khán giả đến với mình cũng không dễ dàng gì.
![]() |
Ảnh: Tiền Phong. |
Phải xa các con để gần khán giả
- Trong rất nhiều lần trả lời phỏng vấn, chị thường nhắc về mong muốn có được sự bình yên trong cuộc sống. Vậy chị đã đi đến đâu trên con đường tìm kiếm nó?
- Rất nhiều khi tôi bối rối trước đời sống của mình và tôi thường tìm đến bạn bè làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau để trò chuyện. Và tôi nhận ra rằng, không bình yên là một cái gì đó nằm trong bản ngã của những người làm nghệ thuật.
Nó chính là động lực để thúc đẩy những tìm kiếm, những sáng tạo. Nó vừa là mặt tốt, vừa là mặt trái của cuộc đời người làm nghệ thuật. Vì thế mà mới có những ước mơ. Một đời sống bình yên có thể mãi chỉ là khao khát không chỉ của riêng tôi, mà còn là của nhiều người làm nghệ thuật khác.
- Có câu “Gieo tính cách, gặt số phận”. Câu nói đó nếu áp dụng với riêng chị sẽ ra sao?
- Tôi nghĩ những vui buồn của cuộc sống có một phần của định mệnh và có một phần do mình “sơ sểnh” mà tạo ra. Tôi cũng là một người đàn bà bình thường, có lúc đúng và cũng có lúc sai. Nếu mình dám dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, thì những vấp ngã cũng là một trải nghiệm thú vị, giúp mình trưởng thành hơn trong cuộc đời.
- Chị từng thú nhận rằng, cũng có khi mình đã không đứng vững trước một “sự cám dỗ rất quyến rũ” nào đó. Một cách cụ thể, trong tình yêu chẳng hạn, điểm nào ở người đàn ông có khả năng làm chị run rẩy, mất khả năng kiểm soát chính mình?
- Tôi quan sát thấy, trong đời sống hiện đại, người đàn bà không nhất thiết phải có đàn ông ở bên cạnh. Họ có thể sống độc lập. Và họ tìm đến với người đàn ông chỉ để cùng nhau chia sẻ những phút giây nào đó trong cuộc đời.
Nhưng tôi thì khác một chút. Tôi là người mơ mộng. Người đàn ông đối với tôi (có một vai trò) rất to lớn. Tôi thường kỳ vọng vào họ rất nhiều. Tôi muốn họ tỏa sáng và tin cậy. Tôi thích người đàn ông tài và hay. Sự thông tuệ của người đàn ông cũng là điều khiến tôi bị “gục ngã”.
- Chị có con trai, và lại là người mang nhiều kỳ vọng vào người đàn ông. Chị thường nói với con điều gì và mong muốn con mình sẽ trở thành người đàn ông như thế nào trong tương lai?
- Tôi thường nói với con trai tôi rằng, mẹ luôn luôn đòi hỏi con nhiều hơn và cao hơn đòi hỏi ở các chị. Con có thể làm bất cứ việc gì con muốn, nhưng con phải giỏi. Và tôi cũng nói với con rằng, tôi không thích người đàn ông cẩu thả.
- Những người mẹ thường cảm thấy quên đi mọi ưu phiền khi ở cạnh những đứa con. Còn Thanh Lam, vì sao những lúc ở bên con, được chúng cười đùa, âu yếm, vuốt ve thì lại thấy cô đơn?
- Tôi là một người mẹ nghệ sĩ. Tôi luôn phải xa các con để gần khán giả. Các con tôi ít có thời gian được ở bên mẹ, đó là một thiệt thòi. Những lúc được ở bên các con tôi thấy mình thư giãn nhất. Tôi cũng cảm thấy mình hạnh phúc trọn vẹn nhất lúc đó.
Còn cô đơn là cảm giác thường trực của người làm nghệ thuật. Đôi khi mình muốn trốn tránh nỗi cô đơn. Nhưng cũng có khi càng trốn tránh lại càng phải đối diện với nó.
- Người ta nói những người nồng nàn trong tình cảm thường nhiều khát vọng trong đời sống. Mà người nhiều khát vọng thì dễ gặp nhiều thất vọng. Vì đời sống có nhiều khi “trần trụi” hơn chúng ta tưởng. Cho đến giờ, thất vọng lớn nhất đối với Thanh Lam là điều gì?
- Tôi là người mơ mộng trong cuộc sống và tình yêu. Trong tình yêu tôi là người cho đi rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ, cả người cho đi và người được nhận phải hạnh phúc thì sự cho mới có ý nghĩa. Còn trong cuộc sống, nếu cái gì ta cũng bóc trần ra thì sẽ mất hết đi sự thú vị.
Có những điều phải được nằm khuất ít nhiều trong bóng tối thì mới hay. Một người mơ mộng như tôi, gặp nhiều thất vọng là điều tất yếu. Nhưng tôi đã quen với điều này rồi, giờ thì tôi nghĩ, thất vọng cũng chính là một phần của cuộc sống.
- Thất vọng trong tình yêu, liệu chị có còn ý định tiếp tục tìm kiếm tình yêu?
- Tôi nghiệm ra một điều rằng, tình yêu không thể tìm kiếm được. Nếu mình càng bị thúc bách bởi việc tìm kiếm một người đàn ông thì sẽ càng bị “lủng củng”.
Đương nhiên là đối với người nghệ sĩ, tình yêu sẽ chi phối rất nhiều đến sáng tạo nghệ thuật của họ. Nhưng nếu không may gặp phải thất vọng thì kinh nghiệm của tôi là hãy bình tĩnh. Trước tiên hãy tìm sự bình yên trong chính mình. Rồi có thể, mình sẽ lại bắt gặp tình yêu...
- Thanh Lam đã ở tuổi xấp xỉ 40 rồi, và cũng đang ở đỉnh cao của sự nghiệp mà phía bên kia, có thể chỉ là một con dốc. Chị đang hình dung mình ra sao trong tương lai?
- Tôi không thể nói gì về tương lai, vì tương lai là thứ không thể đoán định. Tôi chỉ có thể nói rằng, cha mẹ đã cho mình một cái “khối” nào đó, mình đã bóc tách đến tận cùng để sống hết mình mỗi ngày, mỗi tháng qua đi. Tôi đã nỗ lực không ngừng để trở thành tôi ngày hôm nay.
Tôi cũng luôn cố gắng để trở thành một người đàn bà bình thường, biết cảm nhận hạnh phúc từ những điều nhỏ nhất xung quanh mình, từ việc chăm sóc các con, nấu một bữa ăn ngon, cắm một bình hoa đẹp.
Tôi tự hào vì mình dám sống thật với những mong muốn, suy nghĩ của mình và luôn hướng đến cái thiện. Trong lao động nghệ thuật, tôi trung thành với ý nghĩ, sống đẹp thì mới hát đẹp. Tôi đã trải qua nhiều bão tố của đời sống và tôi luôn biết mình cần phải làm gì.
(Theo Tiền Phong)