Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ 6 (22/1), Vn-Index “hạ cánh” ở 477,59 điểm, so với mức mở cửa đầu tuần (505,42), chỉ số này mất 27,83 điểm, tức là gần gấp đôi so với tuần trước và tương đương 5,51% giá trị thị trường.
Thanh khoản của sàn TP HCM giảm mạnh khi chỉ có trung bình 34,02 triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên theo phương thức báo giá bình quân (con số của tuần trước là 43 triệu cổ phiếu). Giá trị giao dịch cũng giảm từ 1.891 tỷ đồng xuống còn 1.448 tỷ đồng mỗi phiên khi giá của bên bán và bên mua không thể “gặp” nhau trong nhiều giao dịch.
![]() |
Tin đồn tác động khá nhiều đến tâm lý nhà đầu tư trong tuần qua. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
So sánh về quy mô thị trường, mức giảm điểm trên sàn Hà Nội thậm chí còn sâu hơn sàn TP HCM (giảm tới 8,05%), đưa HNX-Index về 157,58 điểm, giảm 13,8 điểm so với phiên cuối tuần trước. Luân chuyển cổ phiếu trên sàn đạt trung bình 20,62 triệu cổ phiếu, tương đương trị giá 670 tỷ đồng được giao dịch mỗi phiên (con số của tuần trước là 27,43 triệu cổ phiếu và 964 tỷ đồng).
Theo sát diễn biến thị trường, nhà đầu tư dễ nhận thấy Vn-Index giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần (mất hơn 18 điểm). Chỉ số sức khỏe thị trường trồi sụt đan xen trong những ngày tiếp theo nhưng đà giảm điểm tiếp tục được khẳng định. Phiên giao dịch gay cấn nhất diễn ra vào ngày 22/1 khi Vn-Index giảm mạnh vào đầu phiên nhưng được các blue-chip nâng đỡ để đóng cửa với mức điểm giảm không đáng kể.
Bên cạnh xu hướng điều chỉnh của thị trường thế giới, chứng khoán trong nước tuần qua chịu nhiều ảnh hưởng của các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng như một số tin đồn trên thị trường tài chính.
Đầu tuần, tin đồn về việc Ngân hàng Nhà nước có thể nâng lãi suất cơ bản do áp lực lạm phát tăng lên khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Tuy nhiên, với việc công bố CPI của cả nước không tăng quá 1,5% trong tháng 12, Chính phủ cho rằng không có cơ sở để điều chỉnh lãi suất, ít nhất là trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, với việc một số công ty chứng khoán khuyến cáo nhà đầu tư nên tăng cường giữ tiền mặt trong điều điều kiện hiện nay khiến các giao dịch tỏ ra kém phần sôi động. Một nguyên nhân khác khiến thanh khoản giảm là tâm lý không muốn bán ở mức giá thấp của các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu trong khi người mua lại không sẵn sàng mua giá cao trong điều kiện thị trường đi xuống.
Tuần giao dịch vừa qua chứng kiến khá nhiều sự xuất hiện của các “tân binh” niêm yết trên sàn HOSE như ASM, FDC, CTD, KSB… Các cổ phiếu này đều tăng trần trong các phiên chào sàn nhưng phần lớn không giữ được đà tăng giá đến phiên thứ ba. Ngoài ra, khối ngoại cũng có một số phiên mua ròng với khối lượng lớn trong tuần qua khi đoán bắt được tâm lý “xả hàng” của các nhà đầu tư trong nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây được coi là tín hiệu tích cực khi sức mua của các nhà đầu tư nước ngoài có thể là động lực giúp nâng đỡ thị trường trong hoàn cảnh các thông tin vĩ mô mà kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đều tương đối tốt. Tuy nhiên, do thị trường vẫn đang trong chiều hướng giảm điểm nên phiên giao dịch ngày 25/1 sẽ rất quan trọng để định hướng xu hướng tuần tới.
Nhật Minh