Lê Thị Mai ngày nay. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội. |
Sự kỳ vọng thái quá cùng với những phương pháp phản khoa học của người cha đã khiến "thần đồng" toán học cách đây 15 năm Lê Thị Mai sống những ngày tháng của tuổi thơ trong áp lực dồn nén.
Trở thành "thần đồng" bởi bố
Buổi gặp cựu "thần đồng" Lê Thị Mai diễn ra ở Bệnh viện Bãi Cháy nơi cô đang làm việc. Mai thở dài: "Chuyện của em đơn giản lắm, chắc chỉ kể 5 phút là hết". Thế nhưng cuộc trò chuyện đã diễn ra gần 2 tiếng đồng hồ. Không còn e dè, rụt rè, áp lực, không còn gì phải thận trọng giấu giếm như 15 năm về trước, khi Mai mới tròn 10 tuổi, nổi danh khắp chốn. Cô gái xinh xắn, có giọng nói trong trẻo và cách trò chuyện hấp dẫn đã kéo người nghe về miền kí ức mà em đã cất giấu, dồn nén trong những tháng năm làm người nổi tiếng.
Căn nhà nhỏ ở phố Hà Lầm, TP Hạ Long là nơi đã chứng kiến những thăng trầm của một cô bé có khả năng đặc biệt về toán học khi học tiểu học. Theo lời Mai, ông Lê Duy Chuyên, bố cô là một kỹ sư hoá nghỉ hưu, thuộc lớp người "cũ". Sống trong buổi giao thời ông như một con người lạc lõng. Trong 4 người con chỉ có Mai là thuần tính và rất nghe lời ông. Bố con thường quấn quýt bên nhau, vì thế ông sớm phát hiện được những khả năng thiên bẩm của cô con gái ngoan. Với kiến thức khá vững về tự nhiên, ông dành hết thời gian rảnh rỗi kèm cặp nên Mai sớm vượt trội hẳn so với các bạn cùng lứa. Dù chỉ mới học lớp 2 nhưng Mai đã có thể giải các bài toán bằng cách lập phương trình hay tính các phép tính khai căn nhanh hơn bấm máy tính.
Cũng từ đó, bố Mai đã nuôi những tham vọng lớn lao, mục đích cuối cùng của ông là biến Mai thành một "thần đồng" thật sự. Ông sắp đặt cho Mai một lịch học đặc kín, hầu như không còn thời gian rảnh để chơi đùa. Đưa ánh mắt nhìn xa xăm, Mai nhớ lại: "Hồi đó em học nhiều lắm, mọi người hầu như không mấy khi thấy em đi chơi mà chỉ thấy em suốt ngày gắn mình với bàn học, với các phép tính và chi chít những con số".
Chỉ biết học và học
Khi hỏi về những phương pháp học mà bố đã áp dụng cho Mai thì em trả lời không có điều gì thật sự đặc biệt cả. Nhưng ông đã làm được một điều mà không mấy ai làm được, đó là tạo tính tự giác tuyệt đối và ràng buộc việc học thành một điều tự nguyện trong bản thân cô. Mai bảo, bố thường tâm tình với con gái: "Bố chỉ có mình con, con là niềm hy vọng duy nhất của đời bố". Lúc đó cuộc sống vợ chồng của bố mẹ Mai đang trong thời kỳ khủng hoảng nên cô rất thương bố.
Dường như trong Mai có một sự tự nguyện đến tuyệt đối: Lao vào học để làm vui lòng bố. Mai thú nhận rằng em không hề có một chút gì gọi là khả năng đặc biệt cả, trí nhớ của em cũng bình thường như bao người khác. Có chăng điều khác biệt là niềm đam mê tột cùng với việc học. Mai so sánh: "Khi anh đọc xong một cuốn truyện dày hàng trăm trang, anh gần như nhớ hết, còn khi anh đọc một cuốn sách cũng dày ngần đó thậm chí là một đoạn trong đó thôi, đọc xong anh hầu như chẳng nhớ gì. Tại sao cùng là chữ nhưng lại có sự khác biệt đó? Chính niềm đam mê là điều cốt lõi làm nên sự khác biệt này".
Để thoả mãn sự kỳ vọng của mình, bố đã biến Mai thành một "cỗ máy" của sự học. Trên nền nhà, trên tường, trên bàn ăn, thậm chí cả trên cánh tủ, đâu đâu cũng thấy các phép tính khai căn, các bài toán khó.
"Hễ đặt chân vào nhà là dẫm trên các con số, ngủ dậy mở mắt ra là các phép toán bên tường đập ngay vào mắt. Người khác vào nhà cứ nghĩ nhà tôi toàn người đến từ hoả tinh. Nhiều lúc tôi phát điên lên, tôi sợ con mình thành đứa ngộ chữ, rồi phát rồ, phát dại với các phương pháp dạy của ông ấy" - bà Hằng, mẹ Mai nhớ lại trong bức xúc.
Nhưng đáp lại sự kỳ vọng đó của bố, Mai chỉ thật sự nổi bật lên trong các phép toán khai căn và giải bài toán bằng cách lập phương trình, ngoài ra không phát triển được gì thêm. Đem các dạng toán khác hay hình học là Mai chịu. Rồi mẹ càng lo lắng hơn khi em có những biểu hiện bất thường như tâm trí phân tán, mất khả năng tập trung. Khi lớn lên, oái oăm thay niềm đam mê của Mai không phải là khoa học tự nhiên. Em chỉ thích ngoại ngữ và bây giờ trở thành một phiên dịch viên trong Bệnh viện Bãi Cháy. Tất cả những gì gọi là khả năng "thần đồng" trong em đã bị "giết chết" như chính lời em nói.
Thần đồng mơ được... thi đại học
Khủng hoảng gia đình và những hệ lụy của một người nổi tiếng đã nhấn chìm em trong áp lực. Mai tâm sự, em có một tuổi thơ không giống ai. Em không được làm trẻ con, bởi vì mọi lời nói đều bị người khác chú ý. Khi Mai ra đường mọi người bàn tán chỉ trỏ, lúc đi chơi cùng bố thì bị bạn bè của bố đưa ra những bài toán bắt giải và em phải giải cho kỳ được những bài toán "siêu khó" đó. Bởi vì không làm được thì bố em sẽ trở thành người nói dối, sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ.
Những áp lực từ bên ngoài cũng là một gánh nặng. Có nhiều lần ra đường Mai gặp phải cảnh: "À đây rồi! Vào đây! Vào đây cháu! Giải giúp cô bài toán này, thằng con cô làm mãi mà không được!". Thế là Mai lại phải chúi đầu vào giải những bài toán rất khó mà em biết rằng chúng chỉ là cái cớ để họ thử em cho thoả tính hiếu kỳ, tò mò của bản thân họ mà thôi.
Rồi báo chí đăng bài và mang đến kỷ niệm bố em vài tờ. Có chúng, bố Mai càng tự hào và thổi phồng một cách thái quá về em. Lại đặt ra những nấc thang mà em có vắt kiệt sức cũng không thể nào đặt chân lên đó. Vậy nên lâu lâu em lại tìm và thủ tiêu bớt đi một tờ báo. Cái cách "thủ tiêu" báo cũng thật đặc biệt: Mai vồ lấy chúng trong căm giận và vò nát chúng trong cơn đau xé lòng. Lúc đó em chỉ nghĩ đơn giản nếu để chúng tồn tại, đi đâu bố cũng mang theo và thế là em lại phải vùi đầu vào những bài toán thách đố, vào những cuộc phỏng vấn triền miên. Đã có lúc Mai cảm thấy bí bách đến cùng cực, em như "vật thể lạ" trong mắt mọi người.
Lớn lên, khi nhận rõ nguyên nhân khiến gia đình, bố mẹ khủng hoảng một phần là do sự mâu thuẫn trong cách dạy em, Mai đã hụt hẫng. Mai buông xuôi tất cả, em không biết mình học để làm gì, rồi từ đó chểnh mảng dần trong học tập. Khi em tốt nghiệp phổ thông cũng là lúc gia đình kiệt quệ vì bố bị tai biến mạch máu não. Điều kiện khó khăn đã không cho em thực hiện ước mơ đặt chân lên giảng đường đại học. Em cười và nói em thèm cái cảm giác hồi hộp khi bước chân vào phòng thi. Em khao khát một lần được đi thi đại học chính quy cho dù em đã tốt nghiệp đại học tại chức môn ngoại ngữ và hiện đã có việc làm ổn định.
Mai nói hôm nay em rất bất ngờ vì đã từ rất lâu rồi em không tiếp xúc với báo chí. Mai thừa nhận đây là lần đầu tiên em tự lên tiếng chia sẻ những suy nghĩ của mình. Giá như có một cách đào tạo bài bản, giá như cuộc sống gia đình Mai êm đẹp, giá như có những tấm lòng đến với em trong lúc khốn khó, thì biết đâu hôm nay chúng ta đã có một nhân tài thực sự.
(Theo Gia Đình & Xã Hội)