Ngày 2/9, TAND Tối cao công bố Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán gồm các quy định chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, hiện đã có hiệu lực. Bộ quy tắc được áp dụng bắt buộc với thẩm phán đương nhiệm ở cả khối tòa án nhân dân, quân sự. Với người về hưu thì khuyến khích thực hiện.
Theo lãnh đạo TAND Tối cao, Bộ quy tắc là cơ sở để bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm cán bộ vào ngạch thẩm phán hoặc xét khen thưởng, kỷ luật với những công chức này.
Làm hết việc, không làm hết giờ
Theo yêu cầu chung của Bộ quy tắc, thẩm phán phải là người trung thành với tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.
Thẩm phán phải là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ. Một trong những chuẩn mực được nhấn mạnh là: liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực. Thẩm phán không được lợi dụng địa vị để mưu cầu lợi ích cho mình hoặc cho người khác.
Bộ quy tắc yêu cầu thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.
Một chuẩn mực quan trọng khác là thẩm phán phải chuyên tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao, tích cực làm việc với tinh thần “làm hết việc, không làm hết giờ”.
Không được tổ chức tiệc xa hoa
Bộ quy tắc đề ra sáu yêu cầu với thẩm phán: giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tích cực phòng chống tham nhũng, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật, tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của lãnh đạo, đồng nghiệp...
Với báo chí, thẩm phán chỉ được phát ngôn khi lãnh đạo phân công. Thẩm phán không được phát biểu công khai quan điểm về việc giải quyết khi chưa ban hành bản án.
Tại nơi mình cư trú, thẩm phán bị nghiêm cấm can thiệp trái luật vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Ở gia đình thẩm phán không được tổ chức cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia... xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi...