- Ý tưởng đưa ảnh nude lên lịch được hình thành như thế nào?
- Hàng năm, cứ đến tháng 6, các nhà làm lịch lại liên hệ với tôi để mua ảnh phong cảnh, ảnh sinh hoạt. Năm nay, tôi gợi ý: tại sao chúng ta không làm bộ lịch bằng ảnh nude? Ban đầu, họ cũng ngập ngừng do chưa từng làm lịch ảnh khỏa thân nghệ thuật bao giờ. Nhưng tôi thuyết phục, việc xin giấy phép sẽ không quá khó khăn vì những bức ảnh được chọn đều nằm trong cuốn sách ảnh Xuân thì đã được xuất bản. Vì thế, họ đã vượt qua được sự ngại ngần và đồng ý triển khai bộ lịch.
Xưa nay, tranh, ảnh nude nghệ thuật có chăng cũng chỉ được treo trong phòng ngủ hoặc toilet. Nhưng chẳng ai lại đem lịch treo vào toilet cả. Với bộ lịch này, tôi đã làm được cái việc đưa ảnh nude từ toilet ra phòng khách - vị trí mà nó xứng đáng được ngự trị.
Bìa bộ ảnh nude nghệ thuật 2009. |
- Xuất bản sách, khắc ảnh lên đá, ra mắt bộ lịch, liệu vẻ đẹp "Xuân thì" trong tương lai còn được anh khai thác ở hình thức nào nữa?
- Tôi mơ ước mở hệ thống cà phê Xuân thì. Những tác phẩm khỏa thân nghệ thuật được trưng bày trong quán. Khách hàng sẽ có cơ hội vừa thưởng thức cà phê vừa ngắm những vẻ đẹp tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ. Họ sẽ có những giây phút thăng hoa bên ly nước ngọt đắng.
- Anh nghĩ sao trước những ý kiến cho rằng, bằng những cách thức này, Thái Phiên đang nỗ lực đến cùng nhằm đưa khỏa thân nghệ thuật đến với công chúng sau khi thất bại trong việc xin cấp phép triển lãm ảnh nude tại Việt Nam?
- Đúng là như vậy. Đến nay, công chúng đã rất hiểu ảnh khỏa thân nghệ thuật. Dù chưa được triển lãm nhưng tôi tin rất nhiều người biết đến tác phẩm của mình. Tôi coi triển lãm như tờ giấy khai sinh cho những đứa con tinh thần. Tôi không tính toán thiệt hơn trong việc theo đuổi cho được giấy khai sinh đó. Phải chi phí rất nhiều, tốn kém rất nhiều, nhưng chỉ cần mở cửa một buổi, đón một khách, tôi vẫn muốn làm triển lãm.
Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc triển lãm đang đứt đoạn. Năm nay không được, tôi chờ sang năm tới. Nhưng mỗi năm, tôi lại bổ sung thêm một tấm cho bằng số tuổi của mình. Năm ngoái, tôi xin cấp phép triển lãm 48 tấm thì năm nay là 49 tấm, sang năm là 50… Bao giờ được cấp phép thì thôi, chứ tôi không bỏ cuộc.
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên. Ảnh: thaiphienphoto.com. |
- Thái Phiên sống bằng nghề làm lịch và nổi tiếng trong giới nghệ sĩ với ảnh khỏa thân nghệ thuật. Vậy, sự kết hợp giữa nghệ thuật và tính thương mại trong bộ lịch này có ý nghĩa như thế nào?
Bộ lịch ảnh nude nghệ thuật 2009 do NXB Văn Nghệ TP HCM ấn hành, tập hợp 7 tác phẩm đã in trong tập sách ảnh Xuân thì của nghệ sĩ Thái Phiên. Bộ lịch phát hành ngày 25/9 trên toàn quốc. |
- Thật ra, không ai đi kinh doanh ảnh khỏa thân cả. Vì để có một tấm ảnh nude, chúng tôi phải tốn kém rất nhiều. Có lần, tôi và người mẫu phải bay từ Sài Gòn ra Phú Quốc, rồi từ Phú Quốc lại thuê một chiếc tàu ra đảo xa để chụp hình. Mỗi lần như thế, có chăng được một vài tấm. Là một cử nhân quản trị kinh doanh, tôi không dại gì đầu tư kiếm lợi nhuận bằng ảnh khỏa thân. Tôi theo đuổi nude nghệ thuật vì đam mê thôi.
- Những buổi chụp ảnh nude của anh thường bắt đầu bằng vài giờ cà phê với người mẫu. Anh và họ thường nói chuyện gì bên ly cà phê?
- Tôi thường kể cho họ nghe những tình huống éo le, khó khăn, vất vả mà những người làm mẫu trước đó đã gặp phải, để họ lường trước được những thử thách sẽ phải đối mặt. Qua ly cà phê, tôi cũng ngầm thăm dò để biết được trình độ văn hóa, quan điểm thẩm mỹ, tính cách, tâm sự nhằm gửi gắm cái “hồn” của họ vào tác phẩm.
Đồng thời, tôi cũng đưa ra những nguyên tắc riêng của mình, thí dụ: Chụp là để công bố, người mẫu phải ký tên sau lưng bức ảnh (đồng ý để tác giả sở hữu tác phẩm). Người yêu (hoặc chồng) của họ chấp nhận họ làm mẫu. Người mẫu phải biết hy sinh và ẩn mình đằng sau những tác phẩm mà không hề tiết lộ chính họ là người trong ảnh.
Huyền diệu - tác phẩm mới nhất được Thái Phiên ưng ý. |
- Đã bao giờ anh rơi vào cảnh bất đắc dĩ phải lắc đầu trước một người mẫu quá trẻ, quá xấu hoặc quá lớn tuổi?
- Có chứ! Một lần, một cô gái trẻ đến nhờ tôi “giữ lại tuổi 17”. Tôi kiên quyết từ chối, nhưng cô bé cứ thiết tha nằn nì mãi... Cuối cùng tôi đành bảo: “Thôi được rồi, chú đồng ý chụp nhưng cháu phải có giấy bảo lãnh của phụ huynh”. Cô bé tiu nghỉu đứng dậy đi về, ra đến cổng còn ngoái đầu vọng lại: “Thế thì sang năm chú nhé!”.
Đã là phụ nữ thì không có khái niệm xấu, trong từ “phụ nữ” đã bao hàm nội từ “đẹp” rồi. Theo tôi, không có phụ nữ xấu mà chỉ có người chụp hình không biết tìm góc độ đẹp mà thôi.
Tôi cũng từng chụp một người mẫu ở độ tuổi 45. Đó là bức Diễm xưa đã in trong tập sách ảnh Xuân thì. Với những người mẫu mà da thịt của họ không còn “lấp lánh” như ở độ tuổi đôi mươi nữa thì phải dùng những “đạo cụ” và tận dụng mọi nguồn sáng để khai thác và tôn vinh những đường nét mà thời gian chưa xóa nhòa được.
- Anh vừa có chuyến ra Hà Nội chụp ảnh nude, tác phẩm nào khiến anh hài lòng từ chuyến đi này?
- Tác phẩm mới nhất mà tôi ưng ý là Huyền diệu, vừa được tôi đưa lên website riêng của mình.
- Bao giờ và điều gì có thể khiến anh từ bỏ ảnh nude nghệ thuật?
- Bao giờ không còn phụ nữ nữa.
Hà Linh thực hiện