Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương và các ngân hàng thương mại Thái Lan đang hoàn thiện kế hoạch cho phép các công ty thiếu tiền mặt tạm thời gán tài sản cho các ngân hàng để đổi lấy tín dụng. Mục tiêu của kế hoạch này là giúp các doanh nghiệp nhỏ, như khách sạn, không phải thanh lý tài sản với giá cực rẻ hoặc đóng cửa vì nợ nần.
Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng với các công ty vừa và nhỏ trong ngành du lịch, hiện đóng góp 20% GDP Thái Lan. Tuy nhiên, họ đang chịu tác động nghiêm trọng từ lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế du lịch. Khi lượng khách quốc tế được dự báo giảm gần 10% năm nay, các khách sạn sẽ phải chịu khoản lỗ chưa từng có tiền lệ.
Trong bối cảnh lãi suất toàn cầu đang ở mức thấp kỷ lục và hàng nghìn tỷ USD kích thích tài khóa đã được tung ra, ngân hàng trung ương các nước ngày càng tìm ra nhiều cách để kích thích kinh tế. Thử nghiệm ở Thái Lan là sáng tạo mới nhất trong chính sách tiền tệ, sau các nỗ lực như cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ của Fed hay áp dụng lãi suất cho vay đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ của Israel.
Chương trình của Thái Lan "rất độc đáo và hiệu quả, hoạt động như một hiệu cầm đồ - nơi bạn để lại đồ có giá trị để đổi lấy tiền mặt ngay lập tức", Khoon Goh – Giám đốc Nghiên cứu khu vực châu Á tại ANZ cho biết, "Tôi chưa thấy nước nào có chính sách này".
Chương trình này cho phép bên vay dùng khách sạn để giải quyết các khoản nợ quá hạn. Chủ khách sạn sau đó có thể thuê lại số tài sản này để vận hành, hoặc mua lại sau 5 năm với giá thỏa thuận. Trong thời gian đó, họ vẫn có thể điều hành khách sạn như bình thường.
"Chúng ta cần gấp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ liên quan đến du lịch để vượt qua giai đoạn khó khan này", Kobsak Duangdee – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan cho biết, "Đại dịch đang kéo dài lâu hơn dự báo".
Chương trình được công bố khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan đang chật vật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đại dịch. Chỉ khoảng 130 tỷ baht (4,3 tỷ USD) trong 500 tỷ baht mà cơ quan này dự định hỗ trợ SME năm ngoái là được giải ngân. Nguyên nhân là các ngân hàng thương mại lưỡng lự trong việc cho vay với lãi suất trần mà ngân hàng trung ương áp là 2%. Bên cạnh đó, các SME cũng có rủi ro vỡ nợ cao hơn.
Chương trình mới có thể ra mắt trong 2 tháng tới, sau khi hoàn thiện các chi tiết. "Các vấn đề nhạy cảm là giá chuyển nhượng và mua lại tài sản", Naris Sathapholdeja – nhà kinh tế học tại TMB Bank cho biết.
"Khách sạn tại các điểm du lịch chính, như Phuket hay Samui, chịu tác động mạnh nhất. 80% khách sạn tại các khu vực này vẫn đóng cửa từ đợt phong tỏa đầu tiên năm ngoái ", Marisa Sukosol Nunbhakdi – Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan cho biết trên Bloomberg. Các doanh nghiệp liên quan đến du lịch cũng đã sa thải nửa nhân viên kể từ khi đại dịch xuất hiện.
Siam Commercial Bank – nhà băng lớn nhất Thái Lan cho biết 90% trong số 80 tỷ baht họ đã cho vay các khách sạn vẫn chưa được hoàn trả. Họ đang đợi chi tiết chương trình của chính phủ để quyết định có tham gia hay không. "Bất kỳ chính sách mới nào giúp các chủ khách sạn giải quyết khó khăn thì đều có lợi cho ngành ngân hàng", đồng giám đốc Siam Commercial Sarut Ruttanaporn kết luận.
Hà Thu (theo Bloomberg)