Thứ ba, 19/3/2024
Thứ sáu, 17/1/2020, 15:36 (GMT+7)

Người dân tiễn ông Táo 'lên trời'

Sau lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23/12 Âm lịch, người dân Hà Nội mang cá ra sông, ao hồ phóng sinh, "tiễn ông Táo về chầu trời".

Theo quan niệm dân gian, Táo quân gồm hai ông, một bà, tượng trưng cho ba cỗ "đầu rau" hay "chiếc kiềng ba chân" ở gian bếp của người Việt xưa. Trong ngày Tết ông Công ông Táo, người dân thường cúng ba con cá chép sống, sau đó mang thả xuống sông, hồ.

Tại khu đê Ngọc Lâm, quận Long Biên, người dân xếp hàng xuống mép sông Hồng thả cá chép. Có người vừa xách túi cá, vừa lẩm bẩm khấn vái, cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình.

So với những năm trước, người dân đã ý thức hơn trong việc thả cá, không còn tràn lan cảnh ném, đổ ụp hay vứt cả túi nylon cùng cá xuống hồ nữa.

Ở những chỗ khó tiếp cận bờ sông, như cầu Long Biên, cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, người dân dùng xô rồi dòng dây xuống thả cá.

Tại hồ Hoàng Cầu, những người thả cá cố gắng chọn chỗ nước sạch với hy vọng cá sống sót.

Tại khu đô thị Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, người dân bắc một đoạn ống xuống hồ, rồi thả cá qua ống.

Đầu ống được thiết kế giống cái phễu, giúp người dân dễ dàng thả cá.

Tại cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, các bạn trẻ trong Đội Đường Táo Quân đã trực sẵn giúp người dân thả cá.

Những đồ thờ cúng do người dân vứt đi sẽ được đội tập trung cho vào bao tải chuyển xuống phía dưới bãi để phân loại.

Người dân khu vực đê sông Hồng cũng ý thức hơn khi tập trung túi nylon lại một chỗ.

Giang Huy