Ảnh: literate |
Và những yếu tố tác động lớn nhất đối với mỗi người, mỗi doanh nghiệp khi quyết định lựa chọn domain name chính là cơ chế cấp phát, giá cả và khả năng phổ dụng, quảng bá của tên miền đó.
CEO của Công ty SGC là ông Phùng Minh Bảo bày tỏ: "Trái với nhận định của một số người cho rằng doanh nghiệp VN chỉ nên sử dụng tên miền .vn và server đặt ở VN vì lý do bảo mật tốt hơn, tôi cho rằng chúng ta nên nhìn vào thực chất của sự việc. Xảy ra sự cố là do người quản lý thiếu bảo mật và theo dõi tài khoản e-mail, tài khoản quản lý tên miền, máy chủ. Không thể kết luận rằng tên miền .vn bảo mật hơn tên miền quốc tế".
Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh, việc mất domain có hai nguyên nhân: hoặc là công ty cung cấp dịch vụ bị tấn công, hoặc là chủ sở hữu tên miền sơ hở, bị lấy cắp tài khoản quản lý. "Nếu là tên miền quốc tế đăng ký qua nhà cung cấp nước ngoài thì nguyên nhân thứ nhất không thể xảy ra vì các công ty này được ICANN thẩm định rất kỹ và hệ thống của họ cực tốt. Việt Nam chưa có đơn vị nào được ICANN cho phép làm đăng ký tên miền quốc tế. Mất tên miền chỉ xảy ra ở nguyên nhân thứ hai, do chủ sở hữu tên miền sơ hở. Domain quốc tế hay Việt Nam an toàn như nhau nếu nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng", ông Linh lập luận.
Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Công ty Hoàng Minh - đơn vị sở hữu website sanotc.com, chia sẻ: "Tôi vẫn chọn .com vì cho rằng mức độ an toàn của tên miền nước ngoài hay trong nước là như nhau. Vấn đề nằm ở khả năng bảo mật của đơn vị đặt hosting. Có lẽ e ngại lớn nhất của doanh nghiệp như chúng tôi khi lựa chọn tên miền là thủ tục giấy tờ khi đăng ký cũng như khi xảy ra sự cố hoặc nhu cầu chuyển đổi".
Tâm sự của chủ nhân sanotc.com cũng là nỗi niềm của nhiều đơn vị khác vì thực tế là phương thức cấp phát, mua bán tên miền nước ngoài và trong nước đều có những ưu và nhược điểm riêng, thậm chí yếu tố là ưu điểm có khi cũng chính là nhược điểm của mỗi loại hình dịch vụ. Nếu việc đăng ký domain .vn phải thực hiện bằng văn bản đem lại sự an toàn bảo mật cao lại lấy đi nhiều thời gian của khách hàng thì việc mua tên miền quốc tế được thực hiện chủ yếu qua e-mail rất đơn giản, thuận tiện lại dễ bị hacker nhòm ngó....
Domain ngoại là sản phẩm có thể cấp phát tự do và được coi như một loại hàng hóa trên mạng. Còn tên miền nội .vn là tài nguyên thông tin quốc gia, được nhà nước quản lý.
Nói một cách nôm na, sự khác biệt lớn nhất trong giao dịch cấp phát tên miền quốc tế và tên miền quốc gia .vn là cơ chế điện tử và giấy tờ. Muốn có domain đuôi .vn, người đăng ký buộc phải đến trực tiếp Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) hoặc các đại lý được đơn vị này ủy quyền để làm thủ tục. Còn việc mua các tên .com, .net, .info... có thể thực hiện đơn giản thông qua giao dịch bằng e-mail trên mạng với chi phí phụ thuộc vào các dịch vụ bảo đảm trên tên miền và trách nhiệm của đại lý cung cấp trong quá trình quản lý, duy trì. Giá càng cao, trách nhiệm nhà cung cấp càng cao và ngược lại, giá rẻ thì những hỗ trợ dịch vụ sẽ ít đi.
Những ưu điểm của cơ chế mua bán tên miền quốc tế cũng chính là nhược điểm của loại hình cấp phát này. Khả năng bị lộ mật khẩu quản lý tên miền hoàn toàn có thể xảy khi mà việc giao dịch chủ yếu dựa vào e-mail. Hơn nữa, một tên miền đăng ký ở các đại lý cấp phát tên miền quốc tế, người quản trị có thể thay đổi mọi thông tin liên quan khi có trong tay mật khẩu quản trị và thật khó có thể lường hết hậu quả nếu mật khẩu lọt vào tay kẻ xấu hoặc đối thủ cạnh tranh.
"Trên lý thuyết người bị mất domain có thể chứng minh là chủ sở hữu để đòi lại nhưng sẽ phải thực hiện hàng loạt thủ tục pháp lý với công ty quản lý ở tận Mỹ hay nước nào đó. Khổ chủ sẽ có thể phải điện đàm xuyên qunốc gia (đắt đỏ) hay bay tận sang tận đó cùng hàng loạt các chi phí tốn kém kèm theo, thậm chí là phí kiện tụng...", chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Tử Quảng phân tích.
Trong khi đó ở VN, một yêu cầu bắt buộc đối với nhà đăng ký tên miền .vn được VNNIC ủy quyền phải thực hiện khai báo chuyển giao Zone Tranfer các dữ liệu về tên miền .vn trên máy chủ DNS của họ về VNNIC. Trong trường hợp xảy ra sự cố bất khả kháng, VNNIC có thể nhanh chóng khôi phục lại tên miền .vn từ data base. Hơn nữa, hồ sơ, cơ sở dữ liệu tên miền được lưu giữ và quản lý tại VNNIC. Mọi thay đổi liên quan đến tên miền đều phải được xuất phát từ chính chủ thể đăng ký. Vì vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, khi có đầy đủ bằng chứng, đại lý và VNNIC đều có trách nhiệm và toàn quyền lấy lại tên miền cho chủ thể sử dụng.
Trang web của Công ty HanoiComputer được xây dựng cách đây 6 năm. Khi đó, tên miền .vn chưa được cấp phát, doanh nghiệp này phải dùng .com rồi đăng ký tiếp .com.vn. Đến năm 2006, khi tên miền cấp hai được cấp phát HanoiComputer không bỏ lỡ cơ hội đăng ký và trỏ tất cả các địa chỉ cũ về hanoicomputer.vn vì theo Giám đốc Nguyễn Thanh Sơn như vậy là an toàn hơn cả. "Đuôi .vn ngắn gọn, dễ nhớ. Nhưng quan trọng là nó được Việt Nam bảo hộ, không sợ bị người khác tranh mất khi mình lỡ quên đáo hạn vì thường là sắp đến kỳ nộp tiền là được thông báo bằng văn bản. Trong khi domain của nước ngoài chậm nộp tiền sẽ mất quyền sở hữu hoặc họ bắt mình phải mua lại với giá cắt cổ, tùy theo thứ hạng trang web", ông Sơn nói. "Tôi cho rằng domain .vn được bảo mật tốt hơn".
Khi công ty chuyên dịch vụ tên miền là P.A Việt Nam đột ngột bị cướp mất các domain quốc tế dùng chủ yếu trong giao dịch gồm pavietnam.com và pavietnam.net đã kéo theo vô số địa chỉ online của khách hàng đăng ký tại đơn vị này cũng rơi vào tay hacker và bị trỏ đi lung tung. Những câu chuyện tương tự từng xảy ra với chodientu.com hay tintucvietnam.com, nhatcuong.net... đã khiến không ít người kết luận dùng tên miền quốc tế rất dễ rơi vào sự nhòm ngó của hacker và khả năng bị cướp mất cao hơn gấp nhiều lần "hàng nội" .vn. Nhiều người nhăm nhe tìm kiếm "đồ nhà" thích hợp. Điển hình là đơn vị sở hữu website 5giay.com, một khách hàng - nạn nhân trong vụ P.A Việt Nam, đã thông báo chuyển sang sử dụng tên miền mới 5giay.vn trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, không phải ai cũng quan niệm như ông Sơn hoặc vội vàng "nghĩ lại" khi chứng kiến những vụ cướp tên miền. Trong số 25 website của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam có tới 9 site vẫn sử dụng tên miền quốc tế. Trong danh sách 176 trang web thương mại điện tử được hiển thị tại trustvn.gov.vn cũng có tới gần 100 trang chạy trên địa chỉ nước ngoài. Còn có nhiều doanh nghiệp, có lẽ cũng đã cân nhắc thiệt hơn giữa sự hợi - hại trong sử dụng tên miền, nên cùng lúc sở hữu nhiều domain bao gồm cả hàng nội và ngoại.
Giám đốc Trung tâm BKIS Nguyễn Tử Quảng cũng khuyến cáo vì lý do bảo mật, các cơ quan, doanh nghiệp nên sử dụng tên mền .vn. Cá nhân sử dụng cho những mục đích ít quan trọng vẫn có thể dùng tên miền quốc tế vì ưu điểm tiện lợi và giá cả. Ngoài ra các tổ chức, doanh nghiệp quy mô toàn cầu hoặc tham vọng vươn ra quốc tế nên dùng song song cả "hàng nội và hàng ngoại" để quảng bá thương hiệu.
Nguyễn Hằng