Dù than rằng vẫn phải bù lỗ do giá xăng tăng, song giới tài xế taxi thừa nhận mấy ngày qua doanh thu cao lên nhờ khách ngán đội mũ bảo hiểm, nên chọn phương tiện công cộng.
Anh Đặng Hà, tài xế taxi Vinasun cho biết cước của hãng đã tăng từ hai ngày trước. Song theo anh, cánh tài xế vẫn phải chịu lỗ so với thời điểm xăng chưa tăng giá. Lái xe này nói, công ty có chính sách hỗ trợ cho chi phí, ví dụ nếu trong ngày chạy trên 170 km, taxi 7 chỗ được hãng cho thêm 16.000 đồng, còn xe 4 chỗ được tặng 12.000 đồng, nhưng vẫn không đủ bù thực chi.
Taxi Mai Linh cũng điều chỉnh giá cách đây 4 ngày. Ngày đầu tiên tăng giá, lái xe Mai Linh Chợ Lớn Vũ Văn Thắng cho hay, lượng hành khách có giảm, rồi tăng đột biến sau ngày bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Anh phân tích khi giá xăng ở mức 11.300 đồng, thu nhập một tháng khoảng 4 triệu. Sau khi xăng tăng giá lên hơn 13.000 đồng, thu nhập giảm một nửa. Mấy ngày qua doanh thu tăng khoảng 10% giúp tài xế taxi dễ thở hơn.
![]() |
Các hãng taxi đều tăng giá để bù lỗ cho xăng dầu. |
Chị Thanh Mai, nhân viên văn phòng ở cao ốc Sunwah, quận 1, nói, buổi trưa đi ăn cơm mà phải đội mũ bảo hiểm thì rất phiền. Nhóm bốn người phòng chị bèn gọi taxi, chia tiền ra trả giá cước nên tính cũng rẻ. Còn anh Phương Bình, phụ trách marketing một công ty điện tử thì nói, đi giao dịch khách hàng mà kè kè mũ bảo hiểm thì không có "phong cách" bằng bắt taxi đi cho tiện. Anh Bình đã đàm phán với công ty trả cước taxi, như anh nói là "vì bộ mặt của đối tác chứ".
Trong khi nhiều doanh nghiệp taxi đã mạnh dạn đẩy giá cước lên, cũng có hãng vẫn án binh bất động. Đại diện taxi Hoàng Long khẳng định, vẫn áp dụng mức cước cũ để giữ khách, mặc dù việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến túi tiền tài xế.
Anh Hoàng, lái xe hãng Hoàng Long đếm lại, hiện trung bình mỗi ngày chỉ có thể lời xấp xỉ 100.000 đồng, ít hơn nhiều so với trước đây. Để đối phó với thời buổi nhiên liệu đắt đỏ, thay vì cứ dong xe chạy tìm khách như trước, nay các bác tài rất hạn chế di chuyển trống xe mà chỉ nằm chờ khách gọi. Hoặc tài xế chỉ xuất quân vào giờ cao điểm như trưa, chiều phục vụ khách đi tiệc, đi chơi...
Hãng Vinataxi cũng chưa có kế hoạch tăng giá. Tuy nhiên giới kinh doanh taxi cho rằng không sớm thì muộn các hãng cũng phải điều chỉnh. Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) Tạ Long Hỷ nói, các khoản phụ tùng, dầu nhớt và sửa chữa cũng rục rịch đòi thêm kinh phí, "nếu không tăng cước hãng sẽ phải đối mặt với thua lỗ lần mòn. Thậm chí, tài xế cũng không muốn chạy".
Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM Đinh Quang Hiền cho biết, Hiệp hội không can thiệp vào việc điều chỉnh cước taxi sau khi tăng giá xăng dầu của các hãng, vì đây là vấn đề lỗ lãi, sinh tồn của từng doanh nghiệp.
Theo ông Hiền, các đơn vị sẽ phải tự tính toán lại giá cước dựa trên lượng xe và quy mô của từng doanh nghiệp sao cho cân đối. Chính vì thế, trong thời gian tới, cước taxi có tăng nhiều mức độ khác nhau là chuyện hết sức bình thường. Vấn đề là bảo đảm chất lượng dịch vụ và đặc biệt là tính chính xác của đồng hồ công tơ mét, tránh tình trạng ăn gian, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo thống kê của Hiệp hội taxi TP HCM, hiện thành phố có trên 40 công ty kinh doanh taxi, không tính những hợp tác xã taxi nhỏ lẻ. Công bố của Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3, hơn 90% đồng hồ taxi có sai số lớn trong thể hiện cước.
Cước taxi mới ở một số hãng: Vinasun: 12.000 đồng cho 1,4 km đầu tiên; 9.000 đồng từ 1 km tiếp theo đến km thứ 30. Từ km 31 trở đi: xe 7 chỗ giá 6.800 đồng/km, xe 4 chỗ tính cước 6.400 đồng một km. Tiền chờ xe: 6 phút đầu giá 1.800 đồng. 9 hãng taxi thành viên Mai Linh: 2 km đầu tiên giá cước 15.000 đồng. Từ km thứ 3 đến 30: 9.000 đồng/km. Km thứ 31 trở đi: 6.500 đồng một km. Thời gian chờ: 1.500 đồng cho 3 phút. Hoàng Long: 12.000 đồng cho 1,6 km đầu, 8.500 đồng km tiếp theo, 6.000 đồng km thứ 31 trở đi. Thời gian chờ: 1.500 đồng cho 6 phút đầu; 1.500 đồng trong 2 phút chờ tiếp theo. |
Kiên Cường - Vũ Lê