Tàu con thoi Endeavour. Ảnh: CNN. |
Trong hai thập kỷ qua, Endeavour đã bay khoảng 190 triệu km. Đây là con tàu con thoi trẻ tuổi nhất trong hàng ngũ 6 chiếc tàu con thoi đình đám của Mỹ. Nó được đóng mới sau vụ tai nạn thảm khốc của tàu con thoi Challenger ngày 28/1/1986.
Telegraph cho biết, con tàu có khối lượng và kích thước lớn, nhất là hai cánh dễ va chạm với các tòa nhà cao tầng ở các đoạn cua, vì thế giới chức Mỹ và các chuyên gia vũ trụ có kế hoạch chi tiết để vận chuyển. Điểm dừng chân của Endeavour là Trung tâm khoa học California.
Trước cuộc hành trình, 400 cây cối bị chặt bỏ và các đường dây điện bị tháo bỏ thuận tiện cho Endeavour đi qua.
Tàu con thoi Endeavour "nghỉ hưu" sau khi hoàn tất sứ mệnh lần thứ 25 của mình. Nó có chuyến bay đầu tiên vào tháng 5/1992. Chuyến bay cuối cùng của con tàu thực hiện ngày 19/9 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida để bắt đầu hành trình kéo dài ba ngày xuyên qua nước Mỹ đến bờ tây California.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho đội tàu con thoi gồm ba chiếc "nghỉ hưu" vào năm ngoái, sau khi hoàn tất việc xây dựng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trị giá 100 tỷ USD với sự hợp tác của 15 nước, bay trên quỹ đạo cách trái đất khoảng 400 km.
Trước hành trình cuối cùng của tàu Endeavour, con tàu già nhất của NASA là Discovery đã "yên nghỉ" tại Viện bảo tàng Smithsonian, Washington. Trong khi đó, Atlantis, con tàu kết thúc sứ mệnh đội tàu con thoi vào tháng 7/2011 sẽ ở lại quê nhà Florida, phục vụ triển lãm trong khu phức hợp dành cho du khách của Trung tâm Vũ trụ Kennedy.
Người dân nước Mỹ "tiễn" tàu con thoi Endeavour về Trung tâm khoa học California. Ảnh: CNN. |
Việc NASA chấm dứt chương trình sử dụng các tàu con thoi sau hơn 30 năm sử dụng khiến nhiều người thất vọng, đặc biệt việc kết thúc chương trình thám hiểm không gian đã khiến nhiều nhân viên của Trung tâm vũ trụ Kenedy đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
NASA đã đưa ra một dự án mới có khả năng thay thế chương trình tàu con thoi. Đó là tàu vũ trụ có mũi chóp nhọn được nhắc đến với cái tên Orion đang trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ thời gian cụ thể tàu Orion được đưa vào sử dụng. Do vậy, thời gian tới, Mỹ sẽ phải dựa vào các tàu vũ trụ của Nga để đưa các nhà du hành của mình lên quỹ đạo.
NASA phải trả cho một chỗ ngồi trên con tàu vũ trụ Nga là hơn 65 triệu USD. Ngoài ra, NASA đang hy vọng sự phát triển của công nghệ vũ trụ tư nhân của nước này sẽ giúp đưa người lên không gian từ năm 2017.
Trang Nguyên