Theo Ngân hàng Nhà nước, tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2011, Chính phủ đã một lần nữa khẳng định chủ trương yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tập trung vốn đầu tư vào các ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán. Đối với các đơn vị trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh.
![]() |
Các Tập đoàn, Tổng công ty cần sớm thoái vốn khỏi các công ty tài chính. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Cũng theo cơ quan này thì trên thực tế, việc giảm dần tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn, Tổng công ty trong các công ty tài chính đã diễn ra từ năm 2008, thông qua cổ phần hóa, bán đấu giá một phần vốn đang nắm giữ hoặc dừng mua thêm cổ phiếu phát hành tăng vốn điều lệ của công ty tài chính.
Tuy nhiên, tính đến nay, trong số 18 công ty tài chính đã được cấp phép hoạt động, vẫn có 4 đơn vị là công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là chủ sở hữu, 8 công ty tài chính cổ phần mà các Tập đoàn nắm giữ trên 25% vốn điều lệ. Trong khi đó, hoạt động của các Tập đoàn lại bộc lộ nhiều bất cập (huy động quá nhiều vốn, kinh doanh dàn trải, năng lực quản lý thấp…) trong thời gian gần đây.
Do vậy, để thực hiện chủ trương của Chính phủ, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cần sớm có kế hoạch giảm tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành nghề chính, đặc biệt giảm tỷ lệ đầu tư vào 3 lĩnh vực “nhạy cảm” là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định không có chủ trương “dẹp bỏ” công ty tài chính như một số nguồn đã đưa tin.
Nhật Minh