Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm nay, lần đầu tiên có sự quy tụ của nhiều nhà phân phối lớn, các tập đoàn hàng đầu về bán lẻ như Seafoodwatch (Mỹ), Cargill (Mỹ), Bluescope (Australia), Big C (Thái Lan), ABB (Thụy Sĩ), Mercadona (Italy), Maruka (Nhật Bản).
Bên cạnh các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm nhằm tìm ra hướng đi cho các doanh nghiệp Việt, các tập đoàn này cũng tham gia vao hoạt động gặp gỡ giữa nhà mua - nhà cung cấp được thiết kế đặc biệt tại Diễn đàn.
Cụ thể, hai Tập đoàn nổi tiếng về nông nghiệp của Mỹ là Seafoodwatch (thuỷ sản) và Cargill (sản phẩm dịch vụ nông nghiệp) cho biết sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt cùng ngành. Trong đó vấn đề tổ chức thẩm định chất lượng thuỷ sản, các tiêu chí và điều kiện đánh giá sẽ được dành phần lớn lượng bàn tới.
Theo đại diện Seafoodwatch, thuỷ sản Việt Nam có chất lượng tốt, nhưng khâu quản lý truy xuất nguồn gốc và bảo quản kém dẫn đến một vài chỉ số không đáp ứng được yêu cầu từ phía châu Âu và Mỹ. Ví dụ rõ ràng nhất là việc EU từng phạt thẻ vàng với thuỷ sản Việt Nam năm 2017 vì không chứng minh được khu vực đánh bắt. Seafoodwatch nhấn mạnh đây là thiệt thòi lớn nhưng có thể giải quyết được.
Trong khi đó, hệ thống bán lẻ hàng hoá BigC Thái Lan lần đầu tiên đưa ra một bảng thống kê "Các lý do khiến sản phẩm Việt Nam bị từ chối". Trên cơ sở này, Big C sẽ cung cấp chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng chất lượng sản phẩm, độ thu hút của mẫu mã, để có cơ hội tốt hơn không chỉ với BigC trong nước mà hệ thống của họ tại khu vực Đông Nam Á.
Trong khuôn khổ chương trình, các Tập đoàn khác như BlueScope (Australia), Mitsubishi (Nhật), ABB (Thụy Sỹ) cũng sẽ có phần chia sẻ kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, vật liệu và sản điện tử.
Ngoài ra, mô hình làm việc 1-1 là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tìm kiếm đối tác, lựa chọn hàng hoá, dịch vụ, là nơi diễn ra hoạt động kết nối cung - cầu.
Hiện đã có trên 50 Nhà mua và 250 Nhà cung cấp đăng ký tham gia buổi trao đổi tại 6 lĩnh vực là: Nông nghiệp và bán lẻ; Cơ khí – tự động hoá; Công nghệ thông tin – điện tử; Du lịch – dịch vụ; Logistics; Hóa chất - Môi trường - Y tế. Các hiệp hội doanh nghiệp và nghề sẽ đóng vai trò kết nối giữa hai Nhà tại từng bàn trao đổi.
Doanh nghiệp mong muốn tham gia tại các phiên thảo luận có thể đăng ký tham đường link dành cho Nhà muavà tọa đàm chia sẻ thông tin.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.
Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet Air, thương hiệu tôn Colorbond từ Bluescope, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietcombank, Tập đoàn TH, VinFast, Grab, Tập đoàn T&T, Ngân hàng TPBank, Ngân hàng Quân đội (MB),Ngân hàng Bắc Á Bank, Tân Hiệp Phát, THACO, BIM Group, MXP, Habeco, Logivan, Binance, CMC, VNPT, Hiệp Phước, Tomochain, Netnam, Dược Hà Nội, Dược CVI, TTC group.
Thành Dương