Bỏ việc làm cùng hai đứa con nhỏ từ Đăk Nông lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM nuôi chồng, chị Hồng, cho biết, “tai nạn xảy ra quá bất ngờ khiến cả gia đình khánh kiệt. Tương lai không biết phải làm sao khi bàn tay trái của anh ấy gần như hỏng”. Theo vợ anh Việt, trước khi chồng chị bị nạn, một người khác cũng đã bị máy xay cà phê nghiến cụt 5 ngón tay nhưng vì miếng cơm manh áo nên đành chịu.
Nằm viện với bàn tay chỉ còn hai ngón, nạn nhân này lo lắng cho tương lai của 4 đứa con. Ảnh: Thiên Chương. |
Tại khu hậu phẫu, khoa Vi phẫu - Tạo hình, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP HCM, ngoài anh Việt, gần 100 bệnh nhân khác đều là người lao động bị nạn trong lúc làm việc. Nhiều người mê man sau khi được nối liền cánh tay, vẫn không thể biết, mãi mãi về sau, cánh tay của họ không còn có thể cử động nữa. Nguyên nhân chủ yếu là do phương tiện sản xuất không an toàn do thiếu bảo hộ.
Ngày 3/12, đang đưa sợi vào máy se dây dù thì cánh tay bất ngờ bị cuốn luôn vào guồng quay. Tai nạn khiến chị Phương, 18 tuổi, công nhân Công ty Sungho Vina, Bình Dương, nhập viện trong tình trạng cánh tay trái bị đứt thành hai đoạn.
Dù được các bác sĩ khoa Vi phẫu - Tạo hình của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình nối tay, nhưng do dây thần kinh bị đứt quãng nên sau phẫu thuật, cánh tay của chị Phương không thể hoạt động.
Chị Phương khẳng định, tai nạn xảy ra do máy se sợi không an toàn. “Nhiều nữ công nhân cùng công ty tôi từng bị máy cuốn tóc vào nhưng may mắn kéo ra kịp nên không bị thương”, chị Phương nói.
Cạnh giường chị Phương, anh Quang, 35 tuổi, nhà ở Bình Dương, bàn tay chỉ còn ngón cái và ngón út. “Tôi làm khâu dập khuôn của công ty sản xuất gạch. Hôm đó, máy dập bị trục trặc, khi tôi vừa cho tay vào để lấy viên gạch ra thì máy dập xuống. Hậu quả là cả bàn tay bị nghiền nát”, anh Quang kể. Tai nạn khiến anh phải nằm viện hơn hai tháng mà vẫn chưa bình phục bởi bàn tay vẫn còn chảy máu gây đau nhức. Khả năng hoại tử theo các bác sĩ vẫn còn rất cao.
Chị Phương sau khi được nối liền 2 đoạn cánh tay bị đứt. Ảnh: Thiên Chương. |
Bác sĩ Nguyễn Văn An, khoa Vi phẫu - Tạo hình, cho biết, lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn lao động luôn chiếm tỷ lệ cao và hầu như tuần nào cũng có vài ca cấp cứu. Nhiều nhất là bị thương ở tay.
“Dù đã có những bước tiến bộ trong khả năng ghép nối, khắc phục hình dạng cho hầu hết các tai nạn, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể khắc phục được 100% chức năng ban đầu cho người lao động. Nhất là các tình huống bị máy nghiến nát các bộ phận”, bác sĩ An nói.
Còn theo bác sĩ Phạm Hồng Trường, Trưởng khoa Săn sóc đặc biệt, Bệnh viện Chợ Rẫy, khoa cũng thường xuyên tiếp nhận nạn nhân tai nạn lao động. Đa phần là bệnh nhân bị ngã giàn giáo xây dựng với những chấn thương ở đầu, ngực và gãy xương. Nhiều trường hợp tử vong trong lúc cấp cứu do tổn thương quá nặng.
Tìm hiểu của bệnh viện, hai nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là do người lao động bất cẩn không tuân thủ quy định an toàn và các phương tiện bảo hộ an toàn của công trình vẫn chưa thật đảm bảo.
Đại diện Sở Lao động thương binh xã hội TP HCM cũng khẳng định, nguyên nhân dẫn đến tai nạn thường do người lao động và chủ lao động vi phạm an toàn. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, riêng thành phố đã xảy ra 62 vụ tai nạn lao động làm hơn 60 người chết. Tai nạn trong xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất, kế đến là lĩnh vực sản xuất công nghiệp và các tổ hợp nhỏ lẻ.
Trả lời báo chí hồi đầu năm nay, ông Vũ Như Văn, Cục phó An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhận xét, gần 50% số vụ tai nạn là do lỗi của chủ sử dụng. Không ít đơn vị sử dụng lao động, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ quan tâm đến lợi nhuận nên vi phạm an toàn lao động. Nhiều doanh nghiệp huy động công nhân làm thêm, tăng ca, nhưng chưa quan tâm cải thiện điều kiện làm việc. Việc huấn luyện an toàn cho lao động đôi khi chỉ làm hình thức. Đặc biệt, nhiều công ty khoán trắng cho lao động, thiếu sự kiểm tra. |
Thiên Chương
* Tên các bệnh nhân đã được thay đổi.