- Với Sao Mai 2005, cả chị và Tuấn Anh - người trở thành ông xã chị hôm nay - đã tìm thấy ở nhau sự cuốn hút nào?
- Năm 2003, cả hai đứa đã thi Sao Mai một lần rồi, nhưng không đậu. Khi ấy, tôi và Tuấn Anh đã quen biết, và hẹn nhau cùng gặp lại tại Sao Mai 2005. Hai đứa tôi quyết tâm đạt danh hiệu tại sân chơi này vì yêu âm nhạc chứ không hẳn vì yêu nhau, vì lúc đó giữa hai đứa chưa có tình yêu. Nhưng không ngờ duyên phận đã kết nối chúng tôi. Tuấn Anh hiền và rất biết cách quan tâm tới người khác. Điều đó đã chinh phục tôi.
- Kết hôn khi Tuấn Anh vừa nhận công tác, còn chị phải 3 năm nữa mới tốt nghiệp, điều đó gây cho hai người cản trở gì trong chuyện phấn đấu sự nghiệp?
- Chúng tôi kết hôn là bởi cả hai đứa đều cảm thấy đã đến lúc, tình yêu đủ chín muồi và hoàn toàn yên tâm về nhau. Hai vợ chồng ở trong khu tập thể của trường, có điều kiện dễ dàng hơn trong sinh hoạt âm nhạc. Hơn nữa, mẹ chồng tôi cũng là thày tôi, đồng nghiệp và cũng chính là người hoạch định tương lai cho tôi trong hoạt động âm nhạc. Còn em bé, chúng tôi đã có kế hoạch 2 năm nữa mới sinh con. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, đám cưới có lẽ cũng không phải quá đột ngột.
![]() |
Vợ chồng Tân Nhàn - Tuấn Anh. Ảnh nghệ sĩ cung cấp. |
- Hai vợ chồng đều là ca sĩ, điều này tạo cho chị khó khăn và thuận lợi nào?
- May mắn cho tôi có người chồng giỏi chuyên môn, vì thế giúp tôi rất nhiều mỗi khi cần thảo luận không chỉ về cách hát mà còn cách thể hiện ca khúc như thế nào cho đẹp.
Người ta cứ nói yêu và hôn nhân là hai chuyện khác nhau, và khi cưới xong, người phụ nữ hay bị hẫng vì không còn được quan tâm, chiều chuộng như khi yêu nữa. Tôi lại thấy khác. Cưới nhau rồi, anh Tuấn Anh còn thương yêu tôi hơn trước nữa. Sự quan tâm cũng ngày càng lớn, càng nhiều, khiến tôi không có gì phải nuối tiếc hay ân hận khi gật đầu làm vợ anh ấy.
- Theo đuổi dòng dân gian kén người nghe, chị cảm thấy thế nào khi mình còn trẻ mà sớm bị "hắt hủi" trong điều kiện âm nhạc ồn ào như hiện tại?
- Hát dân gian đã có sẵn trong máu tôi, và chẳng có lý do gì khiến tôi phải từ bỏ đam mê này. Mỗi dòng nhạc có lượng khán giả riêng. Với nhạc dân gian, giá trị trường tồn của nó không ai có thể phủ nhận. Tôi không nằm ngoại lệ, và chưa bao giờ hết ngưỡng mộ những cây đại thụ trong dòng nhạc này. Cái được lớn nhất của tôi khi theo đuổi dân gian chính là tính trường tồn của nó, chỉ cần thế là đủ.
- Nhưng nếu không được cổ vũ, sự cố gắng của chị sẽ ít được ghi nhận, điều đó đồng nghĩa với sự nghiệp ca hát phải chịu thiệt thòi. Chị nghĩ sao?
- Tôi tin vẫn còn rất nhiều người như tôi, đang cảm nhận từng ngày sức thẩm thấu của dòng nhạc dân tộc này. Tôi hát dân gian, làm đĩa về dân gian chỉ vì yêu mến và muốn quảng bá cái hay, cái đẹp của nó đến với công chúng chứ không vì danh tiếng hay tiền bạc. Công việc giảng viên Đại học Nghệ thuật quân đội cũng đủ giúp tôi có một cuộc sống ổn định mà không nhất thiết phải dựa dẫm quá nhiều vào việc chạy sô.
Hơn nữa, âm nhạc có hay hay không còn do thẩm mỹ của từng người như thế nào. Chỉ cần còn 1 khán giả tôi cũng hát, và vẫn sẽ chỉ hát dân gian chứ không phải cái gì khác.
- Thực hiện chung cùng chồng album đầu tay mang tên "Tình ta biển bạc đồng xanh", đó là vì tình yêu hay vì tranh thủ làm một lượt cho đỡ mệt?
- Trước hết là vì tình yêu của cả hai. Thứ nữa, vì hai dòng nhạc dân gian của tôi khi kết hợp với dòng thính phòng của chồng theo cách pha trộn hai âm sắc trái ngược nhau, sẽ cho ra một kiểu hát dân gian mới rất thuyết phục. Âm khu cao của thính phòng "kết duyên" với sự mềm mại, luyến láy của dân gian sẽ mang tới cách thưởng thức mới cho người nghe.
Lê Bảo thực hiện