Người gửi: Vũ Thị Thu Hiền
Sau khi đọc xong những dòng tâm sự của chị Hương về việc con trai chị mới lên lớp 10 mà đã lao vào học rất chăm, tôi cũng muốn viết lên một vài suy nghĩ của mình xoay quanh chuyện học tập của học sinh phổ thông hiện nay.
Học chăm quá cũng thấy lo cho sức khỏe của các em nhưng còn hơn là lười học, mải chơi. Hiện, tôi là sinh viên năm cuối ĐH Ngoại Thương Hà Nội. Tôi có một người em gái đang học lớp 12 THPT Minh Khai. Anh trai tôi cũng đang học ĐH Kiến trúc Hà Nội. Tôi biết, việc anh chị học hành đỗ đạt đã tạo nên một gánh nặng tâm lý cho em tôi.
Em gái tôi từng khóc rất nhiều bởi em cũng mong học giỏi như anh chị nhưng sức em có hạn. Tôi và mọi người trong gia đình rất buồn và lo lắng vì điều này. Đã có lần, em bỏ đi một tuần, gia đình mất rất nhiều công sức mới tìm được em về. Em học được một lát là thấy đau đầu, học trước quên sau. Tôi và anh trai đã cố gắng kèm cặp em nhưng kết quả thu về cũng chẳng được là bao.
Phải công nhận, chương trình học cải cách của các em là quá nặng. Tôi cũng mới chỉ rời ghế trường phổ thông được mấy năm nên tôi hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm với em tôi. Sách giáo khoa môn nào cũng dày thêm, thời gian thì vẫn một ngày có 24 tiếng. Kiến thức thì vẫn thế nhưng được diễn đạt dài dòng hơn và có nhiều ví dụ thực tế, nhiều câu chuyện ngoài lề hơn.
Chính điều này đã làm cho các em cảm thấy khủng hoảng, lo sợ và mất phương hướng. Ngay cả bây giờ đang học tại trường đại học nhưng tôi thấy môn nào sách dày một chút là đã thấy nản, ngại không muốn học rồi. Các em khá giỏi thì không sao nhưng những em học kém và không có người chỉ bảo, kèm cặp thì đi học cũng chẳng có ý nghĩa gì, chỉ phí thời gian thôi.
Nhìn chồng sách vở của em tôi mà tôi cũng thấy thương em, tôi không hề trách em học kém. Chương trình hiện hành có quá nhiều môn học mà tôi biết rằng mục đích của việc học nhiều môn là để các em có được những kiến thức cơ bản, có cái nhìn tổng quan và rèn luyện khả năng tư duy. Nhưng chúng ta đừng quá tham lam, đừng nhét vào đầu chúng những thứ mà tôi nghĩ là không cần thiết ở tuổi các em.
Tôi băn khoăn không biết em gái tôi học trồng trọt, chăn nuôi để làm gì, hay chỉ là chống đối, học cho có, học để được cộng điểm khi xét tuyển vào các trường. Ngày trước, học nghề để được cộng điểm vào điểm thi tốt nghiệp để chống trượt.
Cái gì ta cũng muốn đưa vào trong chương trình giáo dục để rồi cuối cùng chỉ thấy được sự lãng phí. Lãng phí thời gian học của các em, lãng phí đội ngũ giáo viên. Có chăng nên giảm bớt biên chế giáo viên, bù lại sẽ tăng tiền lương cho giáo viên để họ toàn tâm hơn nữa cho giáo dục?
Tôi thi đại học khối A (Toán, Lý, Hóa). Trong suốt thời gian học phổ thông, tôi học ba môn này rất chăm chỉ, còn các môn còn lại chỉ học để đủ điều kiện thi tốt nghiệp. Vậy nên tôi nghĩ rằng nên học theo kiểu đăng ký môn thì sẽ hiệu quả hơn. Ai thích gì thì đăng ký học môn đó. Như thế cũng tinh giảm được đội ngũ giáo viên mà kết quả đào tạo lại cao hơn.
Kết thúc bài viết này tôi chỉ xin nhấn mạnh một ý là bậc phụ huynh nào có con em học kém nhưng không nghịch thì đừng trách móc các em nhiều quá.