Sau khi đọc xong bài viết "Tôi không dám lái xe dù đã có bằng" của bạn Dương Quỳnh Tâm cùng các bình luận trái chiều của độc giả, tôi xin góp vài ý kiến. Có nhiều bạn nhận xét bạn tác giả bài viết này đánh đồng phụ nữ với việc lái xe không an toàn, khẳng định phụ nữ cũng làm được những gì nam giới làm và việc cảm thấy không lái xe được chỉ là vấn đề cá nhân của bạn Tâm. Tuy nhiên tôi ủng hộ ý kiến của bạn Tâm, bởi đằng sau nó, không phải là việc phụ nữ lái xe được hay không, mà là tố chất của mỗi người có phù hợp với việc "lái xe an toàn" hay không, bất kể nam hay nữ.
Tôi học lái xe đã hơn 15 năm, khi đó gồm ba phần là lý thuyết, sa bàn dựng sẵn (khá thô sơ và thiếu thực tế không như bây giờ mô phỏng đường phố thực) và chạy thực tế ra đường phố. Khi ra đường, thường đi thành nhóm 3 đến 4 người, cùng với thầy giáo. Với phần này, có thể dễ dàng nhận ra những người có tố chất tốt để cầm lái, những người có phần hạn chế. Điều này phần lớn có tính bẩm sinh, mặc dù có thể luyện tập để khắc phục, song vẫn bị hạn chế.

Người lái xe giỏi nhất là người khiến cho những ai ngồi trên xe của anh ta luôn cảm thấy an toàn và bình an.
Có bạn khi cầm lái luôn rất bình tĩnh, nhanh trí xử lý tình huống; có bạn điềm đạm, cẩn thận, luôn nhìn trước ngó sau; có bạn thao tác linh hoạt, thuần thục ngay từ những buổi chạy đầu tiên ra đường. Thầy ngồi bên các bạn này thường khá ung dung. Ngược lại, có bạn ngay khi cầm tay lái là bắt đầu lo lắng, bồn chồn không yên, nhịp thở tăng dần; có bạn thì hấp tấp, vội vàng, quên thao thác; có bạn không quen quan sát cứ nhắm mắt mà đi. Trong những trường hợp này thầy giáo cũng trở nên căng thẳng và hay gắt gỏng. Tất cả các biểu hiện này có thể từ bất kỳ ai, nam hay nữ không hề phân biệt, dù dĩ nhiên về mặt tâm lý ổn định thì tỷ lệ nam thường là nhiều hơn nữ.
Tôi nghĩ đó là tố chất tự nhiên của mỗi người, cụ thể trong trường hợp này là lái xe, nhưng cũng đúng trong mọi lĩnh vực khác. Loại tố chất riêng này thường ảnh hưởng đến khả năng làm việc trong những lĩnh vực nhất định của từng người. Vì thế chúng ta làm những nghề khác nhau, công việc khác nhau. Quan trọng là nhận ra tố chất của mình để tìm lĩnh vực phù hợp. Làm việc mà tố chất không phù hợp sẽ gây cản trở, ít khi thành công. Ở đây phải thấy rằng không có người nào hơn người nào nếu xét về mặt tố chất. Bởi tố chất mang tính bẩm sinh. Mà chỉ có sự phù hợp hay không.
Một anh trưởng phòng kinh doanh có tố chất giao tiếp tốt, kinh doanh nhạy bén; nhưng không thể nói là giỏi hơn bác bảo vệ cổng, vốn có tố chất cẩn thận, quan sát tốt, sức khỏe tốt. Đổi vị trí hai người sẽ không đem lại hiệu quả. Anh trưởng phòng chưa chắc ngồi cổng bảo vệ nổi một hai ngày. Bác bảo vệ cũng không thể gánh vác việc giao tiếp kinh doanh. Không ai hơn ai cả, chỉ là tố chất phù hợp công việc mà thôi. Đó là tố chất cá nhân, tương tự nhau cả ở nam và nữ.
Ở mức độ cao hơn, còn phải phân biệt tố chất về giới tính. Đây cũng là phẩm chất bẩm sinh của nam và nữ, từ đó ảnh hưởng đến công việc của cả hai giới. Ví dụ, tuy chúng ta thấy nhiều phụ nữ lái xe cũng giỏi và an toàn, nhưng phần lớn chỉ lái xe cá nhân và đi gần; nếu làm tài xế xe khách chạy thường xuyên hàng ngày với chặng đi dài, thì rất ít phụ nữ làm nghề đó. Bởi tố chất phụ nữ không thích hợp. Ngược lại, các cô giáo mầm non thì chiếm đa số so với thầy mầm non, bởi tố chất phụ nữ rất thích hợp với việc chăm sóc trẻ, vốn có trái tim người mẹ. Nhiều cô còn trẻ chưa có con, nhưng với tâm hồn nhạy cảm và dễ thông cảm của phụ nữ, cộng với bản năng làm mẹ sẵn có, đương nhiên sẽ có phẩm chất vượt trội so với nam giới trong lĩnh vực này.
Trong cả hai trường hợp, không hề có chuyện phụ nữ hay nam giới giỏi hơn, mà đơn giản chỉ là tố chất thích hợp cho công việc mà thôi. Khi đã có tố chất giới tính phù hợp rồi, khi đó tố chất cá nhân mới tiếp tục phát huy tác dụng. Ví dụ, cùng là cô giáo mầm non, nhưng có cô thì thương yêu trẻ, có cô thì gắt gỏng và đối với trẻ không tốt. Vì thế, những ai thực sự có tố chất yêu thương trẻ làm nghề mầm non sẽ rất tốt, ngược lại không có tố chất đó thì hậu quả sẽ dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ xảy ra thời gian gần đây. Tố chất cá nhân còn có thể bộc lộ qua tâm lý và thể chất.
Có người khi lái xe tâm lý thì vững vàng nhưng thể chất thì hay đổ nhiều mồ hôi khi cần tập trung, cũng gây nhiều phiền toái. Qua đó, chúng ta thấy rõ việc lái xe, hay một số lĩnh vực khác, nếu phụ nữ có hạn chế hơn nam giới, thì cũng từ tố chất giới tính mà ra, mà không hề chứng tỏ là phụ nữ kém hơn nam giới. Tương tự ở chiều ngược lại có nhiều lĩnh vực nam giới hạn chế hơn nữ giới. Nhưng bản chất là không ai hơn kém ai cả. Trong nhiều lĩnh vực mà nam giới chiếm ưu thế nhờ tố chất giới tính, nhiều phụ nữ cũng làm rất tốt. Đó chính là tố chất cá nhân của họ, ví dụ tính quyết đoán, sự mạnh mẽ, giao tiếp giỏi... (và cũng có thể phần nào là tố chất giới tính, ví dụ sức khỏe và sức chịu đựng trội hơn phụ nữ thông thường).
Trở lại với vấn đề lái xe, rõ ràng nhiều phụ nữ lái xe rất tốt, chính do tố chất cá nhân của họ phù hợp. Và cũng có nhiều người cảm thấy mình thiếu tố chất phù hợp. Như vậy, điều quan trọng ở đây là, mỗi người cần nhận ra mình thích hợp với việc lái xe hay không, thông qua quá trình học lái, qua việc lái xe thực tế, qua tính cách hàng ngày, và ngay cả qua quá trình nỗ lực cải thiện có hiệu quả hay không.
Như tôi đã nói, không có chuyện hay dở ở đây. Nó chỉ đơn thuần là khả năng vốn có của mỗi người nói riêng, và đặc điểm giới tính nói chung. Vấn đề bài viết của bạn Tâm nêu ra theo tôi rất có ý nghĩa về mặt thực tế, để giúp giảm tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người. Với những ai có sự tự tin, bình tĩnh, xử trí linh hoạt, hãy cứ ngồi sau vô-lăng và phát huy những tố chất đó trên đường. Với những ai hay lo lắng, bồn chồn, thiếu tự tin, hoặc hay hấp tấp, hoặc khi thao tác thường lỗi; hãy cân nhắc khi ngồi sau tay lái, vì đó là mạng sống của bản thân, và những người xung quanh. Đây là điều quan trọng nhất, còn xe chỉ là phương tiện đi lại, chúng ta còn nhiều sự lựa chọn khác.
Để kết lại, tôi xin dẫn câu nói về việc thế nào là người lái xe giỏi của một vị thầy dạy lái hành nghề tự do. Sau khi lấy xong bằng B2, tôi thỉnh thoảng vẫn thuê xe theo giờ, chạy thêm một thời gian cho cứng tay lái. Xe thường có thầy dạy lái tự do ngồi cạnh. Một lần, một vị thầy già nói một câu thật sâu sắc: "Một người lái xe giỏi có thể lái ở tốc độ cao, có thể luồn lách giỏi, có thể chạy đường dài tốt, có thể ứng phó linh hoạt, có thể rất tự tin và mạnh mẽ, có thể đầy đủ mọi kỹ năng cần thiết; nhưng người lái xe giỏi nhất là người khiến cho những ai ngồi trên xe của anh ta luôn cảm thấy an toàn và bình an".
Độc giả Tuấn Anh