"Tôi làm công việc trùng tu nên cũng hiểu rất rõ về vấn đề trùng tu các di sản. Cái cốt lõi là chúng ta phải giữ lại được cái hồn, cái cốt của di tích bằng việc ngăn chặn xuống cấp, không cho nó hư hỏng đến độ không thể phục hồi. Nếu giả sử không hạ giải hoàn bộ Chùa Cầu để gia cố nền mòng mà chỉ làm chắp vá thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ mất đi di tích này.
Ở đây, đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã giữ lại tất cả những gì có thể để phục hồi lại, nhưng tiếc rằng ít người chịu quan tâm. Thay vào đó, họ chỉ để ý cái màu mè bên ngoài để làm sao khi chụp ảnh đăng Facebook, TikTok phải thật đẹp, phải hợp xu hướng".
Đó là quan điểm của độc giả Quoc Khanh Nguyen xung quanh những tranh cãi về việc trùng tu Chùa Cầu. Dự kiến, đến 3/8, công trình trùng tu Chùa Cầu sẽ được khánh thành, nhưng mấy ngày qua, nhiều lời chê trách đã xuất hiện. Người ta xôn xao vì Chùa Cầu bây giờ mới quá, trẻ quá, tươi tắn quá, nghi ngờ di sản này đã bị tu sửa sai cách; và rằng người ta đã phá hỏng một biểu tượng của Hội An, một di sản văn hóa của nhân loại... Nhưng những nhận xét đó liệu có quá cảm tính?
Ủng hộ hoạt động trùng tu Chùa Cầu, bạn đọc Dangnhatminh cho rằng: "Một số người có quan điểm 'trùng tu lãng mạn', tức là dựa vào ý thích cá nhân để đưa di tích về trạng thái đẹp nhất trong mắt họ, mà bất chấp việc bảo tồn có đáp ứng tính chân xác và toàn vẹn của di tích hay không? Trong khi đó, công việc của người trùng tu di sản là sơn lại lớp vôi cũ như di tích từng được sơn ban đầu.
Bây giờ, nếu bạn muốn dùng một thứ màu gì đó khác đi để sơn lên di tích cho có vẻ cổ kính, nhìn thì có vẻ lãng mạn, nhưng chắc chắn là thứ sơn đó không phải là sơn nguyên bản. Vậy, chính bạn mới làm cho di tích trở thành một ngày tuổi, vì đưa vào một thứ mới toanh do mình nghĩ ra. Hãy để chuyên gia làm theo cách đã được Luật di sản, Công Ước và Hiến Chương quốc tế đồng thuận".
>> 'Tô vẽ di sản theo cảm tính'
Nói về khái niệm xấu - đẹp của di tích sau trùng tu, độc giả Dragon nhận định:"Mỗi người một ý, nhưng không phải ai cũng có kiến thức chuyên môn, họ chỉ thấy 'đẹp' là thích, 'không đẹp' theo ý cá nhân là chê. Đây không phải là chuyện mới xảy ra lần đầu. Trước đó cũng có sự việc trùng tu tòa biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội. Các chuyên gia Pháp đảm nhận, trùng tu với màu sơn giống với nguyên tác ban đầu nhưng rất nhiều người lại chê 'xấu' vì màu sơn đẹp theo ý họ phải là màu ẩm mốc, rêu phong, nứt nẻ. Nếu cứ làm theo ý số đông như vậy thì cần gì đến các chuyên gia, cần gì phải trùng tu?".
"Không thể có chuyện 'phục trang giả cổ' cho di tích. Làm như vậy tức là muốn khoác cho di tích một lớp vỏ ngụy tạo thời gian, chứ không phản ánh đúng chất liệu kiến trúc của di tích, và dẫn đến hành động xâm hại tới tính nguyên bản của vật liệu (mà sự phong hóa tự nhiên của vật liệu cũng là một phần của sự nguyên bản đó)", bạn đọc NickNguyen nói thêm.
Còn bạn nghĩ sao về diện mạo mới của Chùa Cầu sau trùng tu? Chia sẻ quan điểm tại đây.
Thành Lê tổng hợp
- 'Bờ kè Hồ Gươm không nên lát bằng đá xanh'
- 'Bờ kè bê tông phá nát Hồ Gươm'
- Không thể đòi hỏi Phú Quốc phải mãi hoang sơ, giá rẻ
- 'Sa Pa, Đà Lạt lạc lối vì đánh đổi hoang sơ'
- 'Không còn nhận ra Đà Lạt của 30 năm trước'
- Ai quay lại nếu Sa Pa, Đà Lạt mãi cũ kỹ?