Cẩm nang
Cẩm nang
Cẩm nang du lịch

Bình Dương

Bình Dương nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế, là đô thị vệ tinh, giáp TP HCM ở phía nam, Bình Phước phía bắc, Đồng Nai phía đông và Tây Ninh phía tây. Có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị nhanh nhưng Bình Dương vẫn còn nhiều khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí gắn liền với thiên nhiên.

Thời tiết ở Bình Dương thích hợp để đi du lịch nhiều khoảng thời gian khác nhau trong năm. Trong đó, đẹp nhất là từ khoảng tháng 1 vì đã qua mùa mưa, trời trong xanh. Tháng 4 là thời gian thích hợp cho các chuyến dã ngoại, cắm trại. Từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa thu hoạch trái cây nên bạn có cơ hội thưởng thức, hái và mang về làm quà nhiều loại quả.

>> Xem thêm: 48 giờ ở Bình Dương

Một góc của Thủ Dầu Một, thủ phủ của tỉnh Bình Dương.

Di chuyển

Trung tâm Bình Dương là thành phố Thủ Dầu Một, cách TP HCM khoảng 30 km, đi lại thuận tiện bằng ôtô, xe máy, xe khách, tàu hỏa.

Từ TP HCM, vé xe khách đến Bình Dương của các nhà xe như Thành Công, Thiện Dương, Mỹ Hằng, Tiến Phát, Việt Hưng có giá 60.000 đồng một người. Vé xe buýt giá 20.000 đồng. Nếu muốn chủ động thời gian và tự do dừng nghỉ, du khách đi ôtô cá nhân hoặc xe máy từ TP HCM theo hướng QL13. Thời gian di chuyển từ 45 đến 90 phút, tùy tình hình giao thông.

Từ Hà Nội và các tỉnh thành miền Trung, miền Bắc, du khách di chuyển bằng máy bay tới sân bay Tân Sơn Nhất, tàu hỏa tới ga Sài Gòn (một số chuyến tàu dừng ở ga Dĩ An - Bình Dương) rồi bắt xe khách, thuê xe máy đi tiếp. Xe khách từ Hà Nội chạy với thời gian khoảng 35 tiếng, giá vé trung bình 900.000 đồng.

Tàu hỏa có nhiều chuyến từ TP HCM tới Dĩ An của Bình Dương, với nhiều khung giờ trong ngày. Giá vé 40.000 đồng.

Lưu trú

Bình Dương thích hợp với các chuyến đi trong ngày, nhưng nơi đây cũng có nhiều lựa chọn về lưu trú, từ bình dân tới cao cấp.

Các khách sạn cao cấp có The Mira, Fairfield by Marriott, Becamex Hotel, Hiive by Fusion, Citadines Central Bình Dương có giá trên dưới 1 triệu đồng một đêm. Các khách sạn 3 sao có giá 400.000 đến 600.000 đồng có Long Bảo Châu, Saigon Park, Elizabeth, Hoang Hung, các khu homestay và căn hộ dịch vụ.

Nếu chọn Bình Dương làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần, du khách từ TP HCM có thể ngủ đêm tại An Lam Retreats Saigon River nằm bên bờ sông Sài Gòn. Từ trung tâm TP HCM, di chuyển theo đường sông chỉ mất khoảng 30 phút. Giá phòng một đêm tại đây từ 3 triệu đồng.

Chơi đâu

Từ trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, trong vòng bán kính khoảng 40 km, Bình Dương có rất nhiều nơi để vui chơi, khám phá. Các điểm du lịch sinh thái, di tích lịch sử, danh thắng trải trên 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 4 thành phố (Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An), một thị xã (Bến Cát) và 4 huyện (Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo và Dầu Tiếng).

Khu du lịch Đại Nam

Toàn cảnh khu du lịch Đại Nam. Ảnh: KDL

Nằm ở phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một, Đại Nam có tổng diện tích đã hoạt động khoảng 260 ha, là một trong những khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á. Ở đây có đầy đủ khung cảnh núi non, sông hồ và nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí như Kim điện, biển Đại Nam, khu trò chơi cảm giác mạnh, khu vườn thú với thiết kế mở, khách sạn với đầy đủ tiện nghi. Bên cạnh đó, trường đua Đại Nam được xem là động lực và điểm nhấn của toàn khu. Đại Nam mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ 8h đến 17h.

Nhà cổ Trần Văn Hổ

Ngôi nhà được xây dựng tháng 2/1890 theo kiểu ba gian, hai chái, gồm 36 cột tròn, 6 hàng cột tròn từ trước ra sau, mỗi hàng 6 cột được kê toàn bộ trên đá tảng, nền lát gạch tàu. Mặt chính diện ngôi nhà quay về hướng tây nam (sông Sài Gòn). Đây là một trong những hướng tốt về mặt phong thủy mà người dân Nam Bộ xưa thường chọn để xây nhà, đặc biệt là những gia đình giàu có.

Chùa Hội Khánh

Đây là ngôi chùa cổ ở thành phố Thủ Dầu Một, được xây dựng năm 1741. Nơi đây có bức tượng được tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là tượng Phật nằm dài nhất châu Á. Nét nổi bật của cổ tự này là giá trị về mặt lịch sử văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các chùa cổ Bình Dương. Chùa còn gắn với hoạt động của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Năm 1923 đến 1926, cụ Sắc cùng cụ Tú Cúc (Phan Đình Viện) và Hòa thượng Từ Văn đã sáng lập Hội Danh Dự tại đây.

>> Xem thêm: Ngôi chùa gần 300 tuổi có tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam

Địa đạo Tây Nam Bến Cát

Với chiều dài gần 100 km, khoảng 50 ô ụ chiến đấu và hầm trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, địa đạo Tây Nam Bến Cát là căn cứ của nhiều cơ quan và tổ chức thời kháng chiến. Đường chính của địa đạo có độ sâu 4 m so với mặt đất. Đường hầm cao 1,2 m và rộng 0,8 m. Có những đoạn được cấu trúc từ 2 đến 3 tầng, chỗ lên xuống có nắp đậy bí mật. Các nhánh phụ địa đạo được đào từ đường chính về các ấp. Đi liền với các nhánh phụ là các ô ụ chiến đấu. Mỗi nhánh phụ dài 1 km với 3 ụ. Xung quanh cửa hầm bí mật được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái, có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng lựu chống máy bay trực thăng.

Khu du lịch sinh thái Kawazo Phú Thịnh

Khu sinh thái nằm giữa thành phố nhưng đến đây, bạn sẽ tạm rời xa sự ồn áo của phố thị để trở về với sự nhẹ nhàng bình yên của một vùng quê thu nhỏ, có màu xanh của vườn cây, ao cá và tham gia những trò chơi mang đậm chất miền Tây như đi cầu dừa, cầu dây, cầu lắc, bắt cá dưới ao, trải nghiệm trò chơi cảm giác mạnh với đường trượt zipline trên không hay tĩnh lặng chèo SUP trên mặt hồ.

Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường

Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường (hay tòa giáo phận Phú Cường) được xây dựng năm 1864 từ ngôi nhà thờ làm bằng gạch có kiến trúc kiểu Gothic. Trải qua nhiều lần trùng tu, gần đây nhất vào năm 2014, nhà thờ có diện mạo như hiện nay. Đây là công trình kiến trúc với sự kết hợp giữa mái vòm đặc trưng kiểu nhà thờ Công giáo, mái chóp nhọn và ô cửa sổ hình vòm, có nhiều nét tương đồng với Nhà thờ Chánh tòa Mỹ Tho.

Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc mà còn được dạo quanh khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, kiến trúc đẹp kết hợp những mảng xanh, Đặc biệt, đến đây vào dịp Noel, khi nhà thờ được khoác lên mình tấm áo mới với nhiều đồ vật trang trí, du khách sẽ được hòa mình vào không gian lễ hội rộn rã nhưng không kém phần uy nghiêm.

Làng tre Phú An

Một góc của làng tre Phú An. Ảnh: Nguyễn May

Làng tre nằm trong khu bảo tồn hệ sinh thái tre đầu tiên tại Việt Nam, là điểm đến quen thuộc của những người thích phong cảnh thôn quê. Phú An lưu giữ khoảng 1.500 bụi tre với 300 mẫu tre, trúc, nứa thuộc 17 giống (chiếm 90% giống của Việt Nam), trong đó có nhiều loại quý hiếm như mai ống, vàng sọc, ngà, lồ ô vàng, mạnh tông.

Năm 2010, Phú An được giải thưởng Xích Đạo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ phát triển cộng đồng và ứng phó biến đổi khí hậu. Năm 2016, nơi này còn được công nhận thành viên Hiệp hội các Vườn thực vật thuộc khu vực nói tiếng Pháp trên thế giới. Đây cũng là nơi chụp ảnh đẹp và nghỉ ngơi thư giãn.

Làng gốm cổ Đại Hưng

Lò gốm cổ Đại Hưng (hay Lò lu Đại Hưng) nằm ở ấp 1, xã Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, cách trung tâm thành phố khoảng 3 km về phía bắc. Cái tên "Lò lu" xuất phát từ lò gốm chuyên sản xuất các loại lu, khạp, hũ dùng cho sản xuất nông ngư nghiệp và đời sống từ xa xưa, có tuổi đời 150 năm. Lò Đại Hưng hiện vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công, với sản phẩm nghề đặc trưng truyền thống. Đây cũng là cơ sở sản xuất gốm thủ công lớn nhất Bình Dương với diện tích gần 11.000 m2.

>> Xem thêm: Bên trong lò gốm thủ công cổ nhất Bình Dương

Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên

Đây là ngôi thiền viện đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tọa lạc tại ấp Cây Khô, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo. Với diện tích hơn 10 ha, thiền viện nằm lọt thỏm giữa rừng cao su, tách biệt với khu dân cư nên không gian khá yên bình. Bao quanh thiền viện là bóng mát của cánh rừng cao su và hoa lá. Bên trong thiền viện là cây xanh, tạo cảm giác gần gũi hòa quyện vào thiên nhiên. Nơi đây, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng nhẹ nhõm.

Hồ Dầu Tiếng

Dầu Tiếng là một hồ nước nhân tạo nằm trên địa bàn 3 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, được khởi công xây dựng vào năm 1981. Đến nay hồ trở thành điểm vui chơi, cắm trại của du khách từ khắp nơi. Đến hồ Dầu Tiếng, du khách có thể ngắm cảnh check in, dạo hồ và tham gia các trò chơi. Việc dựng lều cắm trại qua đêm bên bờ hồ cũng là trải nghiệm đáng để thử cùng bạn bè, người thân.

Cắm trại và câu cá bên hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Bao Tran

Chùa Thái Sơn núi Cậu

Chùa Thái Sơn ở lưng chừng núi Cậu với độ cao khoảng 50 m thuộc ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng. Quần thể khuôn viên của ngôi chùa rộng hơn 5 ha với nhiều công trình như cổng tam quan, ngôi Cửu Trùng Đại Tháp cao 36 m và có 9 tầng, tượng Nam Hải Quán Thế Âm Bồ Tát cao 12 m, chánh điện được xây theo phong cách cổ lầu phương Đông. Sau khi tham quan chùa Thái Sơn, du khách đi bộ khoảng 1.000 bậc đá để lên đỉnh núi Cậu. Du khách có thể ngắm toàn cảnh quần thể dãy núi Cậu và hồ Dầu Tiếng. Ở đây còn có cây sung cổ thụ 300 tuổi cùng nhiều loại cây lâu năm quý hiếm.

Miếu bà Thiên Hậu

Miếu bà Thiên Hậu thường được người dân quen gọi là chùa Bà (đường Nguyễn Du, TP Thủ Dầu Một) có kiến trúc theo lối cổ. Đây là một trong những điểm hành hương quen thuộc của người dân Bình Dương, TP HCM và một số tỉnh lân cận. Lễ hội chùa Bà được xem là một lễ hội văn hóa lớn nhất ở tỉnh Bình Dương, được tổ chức thường lệ mỗi năm vào 3 ngày từ ngày 13 đến ngày 15/1 âm lịch với nhiều chương trình lễ hội đặc sắc: lễ cúng Bà, đấu giá lồng đèn, rước kiệu Bà...

Nhà tù Phú Lợi

Được mệnh danh là "địa ngục trần gian", Phú Lợi là một trong những nhà tù lớn ở miền Nam được dựng lên năm 1957 để giam cầm và tra tấn hàng nghìn các chiến sĩ cách mạng suốt 8 năm (1957-1964). Nơi đây có 3 trại: Chi Lăng, Bạch Đằng và Đống Đa, với 9 phòng giam đánh dấu A, B, C, D... mỗi trại ngăn cách nhau bằng bức tường dây kẽm gai dày đặc. Ở giữa trại giam có nhà vòm cao để quan sát. Xung quanh có 4 cổng ra vào và 4 lô cốt canh phòng nghiêm ngặt.

Vườn trái cây Lái Thiêu

Với diện tích khoảng 1.200 ha trải dài trên 6 xã bao gồm Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn, vườn Lái Thiêu là nơi du khách thoải mái ngắm, trèo cây, chụp ảnh và hái quả như chôm chôm, xoài, sầu riêng. Du khách còn có thể hỏi người trồng cách chăm sóc các loại cây để áp dụng cho vườn nhà. Nếu gia đình đông người có thể liên hệ chủ vườn để thuê chiếu nghỉ hoặc lều trại, mắc võng thư giãn dưới những tán cây. Thời gian lý tưởng nhất để đến đây là từ tháng 3 đến tháng 7.

Hiện vườn trái cây Lái Thiêu miễn phí vé vào cổng, chỉ tính phí lượng trái cây bạn hái hoặc đồ ăn uống và dịch vụ khác.

Phim trường Windmill

Phim trường Windmill (hay còn gọi là phim trường Cối xay gió) được mệnh danh là thiên đường sống ảo tại Bình Dương. Với diện tích 25.000 m2, nơi đây không chỉ thu hút hàng trăm cặp uyên ương đến chụp ảnh cưới mà còn là điểm dừng chân được vô số tín đồ check in ưa chuộng.

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp

Đây là làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. Đến đây, du khách sẽ hiểu quá trình làm một tác phẩm sơn mài đòi hỏi nhiều kinh nghiệm của người thợ. Tùy vào loại sản phẩm mà cốt sẽ được tạo bằng những chất liệu khác nhau, như gỗ dùng làm bàn ghế, tủ, bình, ván ép dùng làm tranh, hộp, gốm dùng làm bình, tượng, vải hay giấy dùng làm cốt cho những sản phẩm có kiểu dáng nhẹ, mỏng như bát đĩa, độc bình. Để tạo nên một tác phẩm sơn mài theo kiểu cổ truyền thường trải qua 25 công đoạn, mất nhiều công sức và thời gian, có công đoạn phải làm đi làm lại nhiều lần. Riêng phần sơn mỗi sản phẩm phải 3-6 tháng mới đảm bảo chất lượng.

Cầu gãy Sông Bé

Cầu gãy Sông Bé. Ảnh: Bao Binh Duong

Nếu về huyện Phú Giáo, đi trên ĐT741 du khách sẽ thấy một chiếc cầu bị gãy làm đôi như công trình đang thi công dang dở. Cầu gãy chính là cầu Sông Bé, dấu tích lịch sử trong cuộc chiến của quân dân miền Nam năm 1975. Cây cầu được Pháp xây dựng những năm 1925 - 1926 khi thành lập Sở cao Cu Phước Hòa. Việc xây cầu nhằm khai thác thuộc địa cũng như mở rộng những đồn điền cao su tại Phú Giáo, Phước Long và là tuyến đường huyết mạch lên các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên.

Ăn uống

Hơn 50% dân số của tỉnh Bình Dương là dân nhập cư nên ẩm thực cũng khá đa dạng và phong phú, kết hợp nhiều loại nguyên liệu.

Gỏi gà măng cụt

Gỏi gà măng cụt. Ảnh: TT

Du khách đến Bình Dương, TP HCM và các vùng ven không thể bỏ qua món gỏi gà măng cụt, món gỏi được coi là "nữ hoàng" ở đây. Món ăn này không hiếm vì có rất nhiều hàng quán chế biến ngon, nhưng phải đợi đến mùa măng cụt để thưởng thức, thường từ tháng 4 đến tháng 6, mới chuẩn. Món ăn thích hợp trong tiết trời nắng nóng. Măng cụt được lựa chọn phải là những quả còn cứng, xanh chín vừa phải để đảm bảo vị chua và ngọt hòa quyện. Thịt gà là loại chắc, da giòn, được luộc chín và xé miếng vừa ăn.

Một số hàng quán thay gà luộc bằng gà ủ muối hoa tiêu tạo hương vị riêng. Gỏi gà măng cụt thường dùng cùng một tô cháo nấm rơm nóng, nấu loãng.

Bánh bèo bì

Món ăn có lịch sử hơn 100 năm tại chợ Búng (xã An Thạnh, TP Thuận An). So với các địa phương khác, bánh bèo ở đây có thêm bì lợn và thịt nạc. Từng miếng bánh nhỏ được phết đậu xanh, phủ một lớp bì trộn với thịt nạc thái sợi, thêm rau sống và dưa leo. Trước khi ăn, du khách rưới nước mắm chua ngọt, có lẫn sợi củ cải và cà rốt, thêm ớt. Bánh bèo bì cùng với cháo môn lươn và gỏi gà măng cụt là 3 món ăn của Bình Dương được Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam vinh danh trong hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa Việt.

Địa chỉ tham khảo: Bánh bèo bì Mỹ Liên, Bánh bèo bì Dì Tám.

Gà quay xôi phồng

Đây là món ăn bình dân nhưng luôn hấp dẫn du khách. Xôi sau khi đã được đồ chín hoặc nấu chín sẽ được mang đi chiên. Gói xôi nhỏ, dưới tác động của nhiệt độ và dầu ăn sẽ phồng to như trái bóng, lớp ngoài giòn rụm bên trong dẻo thơm mùi nếp. Gà trước khi quay được tẩm ướp, phết thêm một lớp mật ong để da có được màu vàng hấp dẫn. Hai món ăn kết hợp tạo nên một cách thưởng thức ẩm thực mới.

Bò nướng ngói

Đúng như tên gọi, món ăn là bò được nướng trên ngói. Do thịt bò đã có sẵn lớp mỡ chài mỏng nên không phải phết thêm dầu ăn hay mỡ. Sau vài phút cho thịt lên ngói, khói nghi ngút lan tỏa mang mùi thơm phức của thịt bò. Món này ăn kèm rau thơm, chuối chát, khế cuốn bằng bánh tráng và chấm với mắm nêm. Vị ngọt của bò, vị chát của chuối, vị chua của khế cùng mùi thơm của mắm nêm hòa quyện tạo nên điều đặc biệt cho món ăn.

Bún riêu lưỡi heo

Bún riêu lưỡi heo. Ảnh: MIA

Đây là một trong những món ăn phổ biến ở Bình Dương. Nguyên liệu chính của món ăn là lưỡi heo cuộn tròn được chế biến theo kiểu thịt xá xíu. Khách có thể gọi tô bún riêu riêng và một đĩa lưỡi riêng. Tô bún mang hương vị thơm ngon có vị ngọt từ hỗn hợp thịt, xương, lưỡi, đậu hũ và cả bí quyết nêm nếm của mỗi nhà hàng.

Cháo môn lươn

Cháo môn lươn được nấu từ những nguyên liệu quen thuộc thường ngày là khoai môn, lươn và gạo trắng nhưng qua chế biến trở nên hấp dẫn và đặc biệt hơn. Cháo môn lươn ngon được nấu từ lươn đồng, thịt dai và khi nấu cháo vị sẽ ngọt hơn. Ngoài ra, món ăn chất lượng hay không còn phụ thuộc vào khâu sơ chế lươn của mỗi nhà hàng. Nếu sơ chế không kỹ lươn vẫn còn nhớt và mùi tanh. Sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu bình dị cho ra món đặc sản đậm đà, thích hợp bồi bổ cơ thể, đặc biệt trong những ngày mưa.

Đặc sản

Bình Dương nổi tiếng với những món quà là đặc sản gắn liền với vùng nhiệt đới.

Măng cụt Lái Thiêu

So với các loại măng cụt ở những vùng khác thì măng cụt Lái Thiêu có phần da láng hơn, không có nhiều vết sần, không bị nứt, không chảy mủ, vỏ có màu đỏ đen hoặc đỏ nhạt. Ngoài ra, măng cụt trồng trên đất Lái Thiêu cũng dễ phân biệt vì trái nhỏ, phần cuống ngắn, không tròn đều, vỏ mỏng nên dễ bóc hơn, phần cùi ngọt thanh xen lẫn chút vị chua nhẹ, thịt quả vừa mềm vừa mịn. Mùa thu hoạch măng cụt Lái Thiêu bắt đầu từ khoảng tháng 6 và kéo dài 3 tháng.

Mứt gừng Bình Nhâm

Được làm từ những củ gừng tươi chọn lọc kỹ, kết hợp cùng chanh và phủ một lớp đường bên ngoài nên gừng sẽ có vị cay nhẹ cùng một chút vị ngọt thanh của đường cát. Mứt gừng Bình Nhâm được chia thành nhiều loại như mứt gừng dẻo, mứt gừng lát, mứt gừng nguyên củ. Nhưng sản phẩm được yêu thích vẫn là loại truyền thống, được cắt lát mỏng, dài.

Hạt điều rang muối

Cũng giống Bình Phước, Bình Dương được trời phú ban cho khí hậu, đất đai phù hợp trong việc trồng điều. Vì vậy việc sản xuất ra những mẻ hạt điều thơm ngon giúp món này trở thành đặc sản của Bình Dương, có thể mua làm quà.

Nguyễn Nam - Tâm Anh

Cập nhật 30/11/2023, 11:00 (GMT+7)