Người gửi: Trần Hải Dương
Ai cũng phải công nhận thực tế là lượng xe lưu thông (gồm ôtô và xe máy) trên đường phố Hà Nội ngày một nhiều và tắc đường đã trở thành chuyện "không có gì phải bàn". Với "thân hình" có vẻ to con nên ôtô hiện bị coi là tác nhân chính gây ra tắc đường. Chính vì thế, thời gian gần đây các biện pháp liên tục được đưa ra nhằm cắt giảm nhu cầu sử dụng ôtô.
Theo tôi, nếu quan sát kỹ giao thông tại Hà Nội, việc nhận định ôtô là nguyên nhân chính gây tắc đường là không chính xác.
Cơ quan tôi nằm trên tầng cao của một tòa nhà văn phòng của Hà Nội nên tôi thường xuyên có điều kiện ngắm nhìn Hà Nội và giao thông đường phố từ trên cao. Nếu quan sát kỹ thì nguyên nhân gây tắc đường là những người tham gia giao thông đi xe máy.
Hiện, xe máy ở Hà Nội quá nhiều. Những trường hợp tắc đường tiến thoái lưỡng nan đều do xe máy gây ra bởi số lượng quá nhiều và ý thức của người tham gia giao thông bằng xe máy rất kém, chỉ cần có một khe hở là họ sẵn sàng "tạt cánh, đánh đầu" để chen qua.
Nhìn quang cảnh từ trên cao của một buổi tắc đường khiến tôi hình dung đến một nồi xôi đỗ, trong đó phần đỗ là ôtô, phần xe máy còn lại là xôi. Tất nhiên "xôi" bao giờ cũng nhiều hơn "đỗ". Thực tế, lượng ôtô tham gia giao thông chưa phải nhiều, và ôtô thường đi rất có trật tự, nối đuôi nhau. Tôi ước lượng, cứ 4 xe máy chiếm diện tích bằng một ôtô thì diện tích đường chiếm dụng bởi xe máy đã lớn gấp nhiều lần lượng ôtô cùng tham gia giao thông.
Vậy, nếu cáo buộc ôtô là thủ phạm chính gây ra tắc đường là không chính xác và việc tăng các loại phí để giảm nhu cầu sử dụng ôtô của người dân là không hợp lý. Không những thế, việc này còn hạn chế người dân tiếp cận với một dịch vụ sinh hoạt cao cấp hơn, đi ngược với trào lưu của cuộc sống hiện đại.
Mặt khác, nếu đứng về góc độ môi trường, khí thải từ xe máy ra ngoài môi trường độc hại hơn nhiều lần so với ôtô, vì các loại ôtô hiện nay hầu hết đạt các tiêu chuẩn an toàn về khí thải, còn xe máy thì... không ai quản lý.
Tóm lại, với hạ tầng giao thông như hiện nay, vấn đề tắc đường ở các đô thị lớn phần nhiều xuất phát từ ý thức của người dân và sự tận tụy của các cơ quan quản lý giao thông. Nếu ý thức của người dân nâng cao, cảnh sát giao thông chuyên tâm chỉ đạo phân luồng, hệ thống đèn tín hiệu không thường xuyên "đơ", việc đào đường khoét cống được thực hiện nhanh chóng thì tắc đường có lẽ chỉ còn lại ở những câu chuyện kể.