Tổng thống Syria Bashar al-Assad nở nụ cười tươi khi sải bước trên đường băng sân bay thành phố Jiddah, Arab Saudi, hôm 19/5. Các quan chức cấp cao Arab Saudi, trong đó có Thái tử Mohammed bin Salman, chào đón ông bằng cái ôm nồng nhiệt.
Lãnh đạo Syria tới Jiddah để dự hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab, tham gia hàng loạt phiên họp với các lãnh đạo khác trong khu vực, dấu hiệu cho thấy ông đã được chào đón trở lại với nền chính trị Trung Đông sau một thập kỷ bị cô lập.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (thứ ba từ trái sang) hôm 18/5 đến Jiddah, Arab Saudi, để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab. Ảnh: Reuters
Năm 2011, khi xung đột vũ trang bùng lên ở Syria giữa chính phủ và phe đối lập, loạt cường quốc Vùng Vịnh quay lưng với Tổng thống Assad và bơm nguồn lực, vũ khí cho phe đối lập để tìm cách lật đổ chính quyền của ông. Họ cũng đóng băng quan hệ với Syria, loại nước này khỏi Liên đoàn Arab với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào dân thường.
Nhưng hơn một thập kỷ sau, Tổng thống Assad vẫn kiểm soát phần lớn đất nước, trong khi lực lượng nổi dậy Syria dần bị khuất phục và phân tán. Các cường quốc khu vực từng muốn loại bỏ ông giờ đây chuyển ưu tiên của họ sang nơi khác.
Hôm 7/5, Liên đoàn Arab đã thông qua quyết định tái kết nạp Syria, động thái được cho là chiến thắng dành cho Tổng thống Assad sau cuộc nội chiến khiến nửa triệu người thiệt mạng kể từ năm 2011. Liên đoàn Arab được thành lập năm 1945, là tổ chức của các quốc gia Arab tại Tây Nam Á, Bắc và Đông Bắc Phi, gồm 22 thành viên.
Theo giới quan sát, Tổng thống Assad đã tận dụng lần tái xuất của mình ở Jiddah để một lần nữa khẳng định Syria là trụ cột đối với sự ổn định trong khu vực Trung Đông nhiều bất ổn.
"Điều quan trọng là hãy để các vấn đề nội bộ cho người dân của đất nước Syria xử lý vì họ có khả năng xử lý chúng tốt nhất", ông phát biểu tại hội nghị, lặp lại thông điệp lâu nay.
Mặt khác, theo giới phân tích, thảm họa động đất kinh hoàng xảy ra ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và một phần miền bắc Syria hồi tháng hai cũng đã mở ra cho ông Assad một con đường mới để đẩy nhanh tiến trình nối lại quan hệ với các nước láng giềng.
Gần đây nhất, Iran và Arab Saudi xác nhận khôi phục quan hệ ngoại giao với Syria, sau hơn một thập kỷ cắt đứt quan hệ. Đây được cho là một trong những viên gạch đầu tiên trên con đường đưa Damascus trở lại sân khấu chính trị Trung Đông.
Trong những tháng trước khi Tổng thống Assad đến Arab Saudi, Syria cũng có những thỏa thuận nối lại quan hệ với các quốc gia như Tunisia và Ai Cập.
Đối với Riyadh, việc Tổng thống Assad quay lại Arab Saudi để dự hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm giảm bớt bất đồng ở Trung Đông, sau nhiều năm khu vực rơi vào lục đục vì phân cực địa chính trị, chiến tranh và bất ổn xã hội.
Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman cuối tuần qua bày tỏ hy vọng việc Tổng thống Assad trở lại Liên đoàn Arab có thể "giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng của khu vực".

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (giữa) trò chuyện cùng người đồng cấp Ai Cập Abdel Fatah el-Sisi trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab ở Jiddah, Arab Saudi, hôm 19/5. Ảnh: Reuters
Theo giới chuyên gia, khi nhận thức được rằng khủng hoảng Syria là vấn đề của toàn khu vực, các quốc gia Arab đã quyết tâm theo đuổi những chiến lược để hóa giải tác động tiêu cực mà nó mang lại. Họ hy vọng rằng bằng cách giảm thiểu xung đột, các nước Trung Đông có thể bắt đầu triệt phá những mạng lưới buôn bán ma túy liên quan đến Syria, bình ổn cuộc khủng hoảng người tị nạn, củng cố an ninh biên giới và xử lý hàng loạt vấn đề khác.
Aron Lund, thành viên tại công ty tư vấn về chính sách và quốc tế Century International, nhà phân tích về Trung Đông, nhận định giành lại tư cách thành viên Liên đoàn Arab là một chiến thắng lớn với chính phủ Syria, giúp Damascus gia tăng ảnh hưởng ở khu vực.
"Sự trở lại này cho thấy Syria đang tái hòa nhập vào khu vực và các lãnh đạo Arab khác dường như bắt đầu tin rằng chính quyền Tổng thống Assad sẽ trụ vững. Vì vậy, đây rõ ràng là một chiến thắng chính trị cho Damascus", ông nói.
Động thái kết nạp Syria trở lại Liên đoàn Arab cũng bắt nguồn từ những tính toán thực dụng về vai trò, vị thế của Damascus, bình luận viên Giorgio Cafiero và Emily Milliken từ Al Jazeera đánh giá.
Từ quan điểm của nhiều chính phủ Arab, chiến lược hiện tại của Mỹ và các cường quốc phương Tây khác nhằm cô lập Syria là không bền vững. Nhiều quan chức khu vực giờ đây cho rằng những chính sách như vậy sẽ chỉ khiến Damascus ngày càng ngả về quỹ đạo của Tehran, điều họ không bao giờ mong muốn. Ngoài ra, các quốc gia Arab cũng tin rằng họ có thể đưa Syria trở lại thế giới của mình bằng cách kết nối với chính quyền Assad.
Chính phủ Syria trong khi đó cần hỗ trợ tài chính và tính chính danh, cả hai điều mà Damascus tin rằng họ sẽ đạt được thông qua việc nối lại quan hệ ngoại giao với Arab Saudi và các quốc gia Arab giàu có khác.
"Tổng thống Assad rất thực dụng và ông ấy sẽ nhận hỗ trợ từ bất kỳ đâu có thể, không quan trọng là từ Arab Saudi, Iran hay Nga", Andreas Krieg, phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Đại học Hoàng gia London, cho hay. "Trong bối cảnh hiện nay, chính quyền Syria sẽ làm bất cứ điều gì có lợi cho họ. Chúng ta đã thấy họ tự tin như thế nào trong cách giao thiệp với các nước Arab khác, đặc biệt là Ai Cập, khi tuyên bố họ sẽ làm mọi thứ vì lợi ích của Syria nhưng sẽ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ lớn nào".
Giới chức Mỹ và các nhà ngoại giao phương Tây đang tỏ ra cảnh giác trước đà gia tăng ảnh hưởng của Syria trên chính trường khu vực. Khi các quốc gia như Jordan, Algeria và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) kêu gọi nới lỏng những biện pháp trừng phạt đối với Syria, các nghị sĩ Mỹ lại đang đẩy mạnh nỗ lực thông qua một vòng trừng phạt mới với chính quyền Assad.
"Người Mỹ đang nao núng", một nguồn tin Vùng Vịnh thân cận với giới chính phủ nói với Reuters. "Chúng tôi là những người sống trong khu vực và chúng tôi đang cố gắng giải quyết các vấn đề của mình một cách tích cực nhất trong khả năng bằng các công cụ sẵn có".
Bước thay đổi này cũng có thể phản ánh mong muốn tham gia vào khu vực Trung Đông của Mỹ đang suy yếu, khi Washington hướng mối quan tâm đến những thách thức xa hơn về phía đông và có tác động lớn hơn so với các vấn đề Arab, nhà phân tích Ishaan Tharoor từ Washington Post đánh giá.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng tỏ ra hoài nghi về việc liệu con đường trở lại của Syria có bền vững hay không.
"Để được khu vực chú ý, rất có thể chính quyền Syria sẽ phải đưa ra một số nhượng bộ nhất định trong những tháng tới", Charles Lister, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington, dự đoán. "Tuy nhiên, Tổng thống Assad là người khó chấp nhận những nhượng bộ lớn, vì thế quá trình tái hòa nhập của Damascus vẫn có thể đi vào ngõ cụt".
Lister cho rằng các cường quốc Arab có thể vướng nhiều trở ngại khi tiến hành dự án đầu tư kinh tế lớn vào Syria, khi không thể đạt được vì những nhượng bộ về ngoại giao hay bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Tổng thống Assad (trái) hội đàm với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman ở Jiddah hôm 19/5. Ảnh: AP
Dù vậy, hiện tại, quá trình trỗi dậy của Syria vẫn diễn ra rất nhanh chóng, bất chấp sự phản đối của Mỹ. "Các quốc gia Arab thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Syria khi họ đánh giá rằng Mỹ không muốn ủng hộ, nhưng cũng sẽ không làm điều gì để ngăn cản", William F. Wechsler, cựu quan chức Lầu Năm Góc, người đứng đầu chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở tại Washington, nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, Washington Post)