Người gửi: Lê Huy Nam
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Suy ngẫm về cái chết của một tử tội
"Hận thù không dành chỗ cho sự công bằng, nó làm bạn mù quáng và không còn lý trí" - đây là nguyên văn được trích trong một lá thư vĩnh biệt của Sadam Hussein, cựu tổng thống Iraq đã được công bố trên mạng Internet tuần qua. Nó như là một thông điệp, chẳng những kêu gọi người dân Iraq chấm dứt hận thù với nhau mà còn đối với ngay cả quân đội nước ngoài đang ngang nhiên đóng trên đất nước của họ, trong đó chủ yếu là quân đội Mỹ.
Phải chăng vào giờ thứ 24 của mình khi mà mọi ánh sáng của hy vọng đã bị tắt ngấm, ông đã nói được những lời từ đáy lòng mình như thế.
Ông Sadam Hussein được đa số người dân trên thế giới biết đến như là một nhà chính trị đầy mưu mô và là một nhà lãnh đạo kiêu ngạo, độc tài và tàn bạo. Ông đã bị treo cổ để trả giá cho tội ác mà ông đã gây ra đối với nhân dân của ông trong thời gian ông nắm quyền sinh sát trong tay.
Cũng như hết thảy những nhà lãnh đạo độc tài khác trong quá khứ. Khởi đầu Sadam Hussein cũng đã đến với dân tộc của ông bằng cả tấm lòng yêu nước, nhưng vì là người chủ trương cướp chính quyền bằng bạo lực, nên khi nắm được quyền bính trong tay, việc bằng mọi giá phải duy trì bạo lực để bảo vệ cái quyền lực mà ông đã cướp được là điều dễ hiểu và cơ chế độc tài được "sinh sôi nẩy nở" trong môi trường này cũng là chuyện đương nhiên. Suy cho cùng Saddam Hussein chẳng những là thủ phạm mà còn là nạn nhân của thể loại cơ chế này.
Cuối năm, nhìn hình ảnh Sadam Hussein bị tra đầu vào dây thòng lọng cho một cuộc hành quyết trên truyền hình mà thấy chạnh lòng! Tại sao lại không có một khả năng "có thể" khác, đối với tử tội Sadam Hussein, nó chẳng những vừa có thể xây dựng được uy tín cho Mỹ mà còn có thể tạo điều kiện để cho dân tộc Iraq có thể hòa giải được với nhau bằng cách: Để đổi lại việc xóa án tử hình, là yêu cầu Sadam Hussein kêu gọi những người theo ông từ bỏ con đường bạo lực cùng hợp tác với chính phủ hiện tại xây dựng lại đất nước và cũng đồng thời kêu gọi những thế lực bạo động khác trong cộng đồng dân tộc Iraq vì tương lai của đất nước mình mà hãy xóa bỏ hận thù, chung sống hòa bình với nhau. Nếu làm được thì phần tội của ông sẽ được nhân dân ông tha thứ.
Sự việc cho thi hành bản án hay không đối với Saddam Hussein là một hành động chính trị, trong đó dưới cái nhìn của thế giới, Mỹ vẫn là động lực chính. Trộm nghĩ, qua cuộc chiến, uy tín của Mỹ đối với thế giới có được nâng lên hay không cũng là ở cách hành xử này.
Tuy rằng với Saddam Hussein, cho dù có thi hành án tử hình gì đi nữa thì cũng chỉ ngang hàng với tội một người buôn ma túy ở các nước có án tử hình cho hành động này mà thôi. Vấn đề là phải biết hiệu quả của cái chết ấy như thế nào? Đôi khi hậu quả của việc giết đi kẻ tội phạm còn tệ hại hơn là để cho kẻ ấy sống.
Tội ác ví như một cái bóng, nó được che đậy bởi bóng tối. Khi ánh sáng công lý chiếu đến thì chiếc bóng sẽ hiện ra. Sadam Husein bị treo cổ, hận thù coi như giải quyết xong, vì không ai dại gì trả thù công lý, chỉ có những kẻ mê muội mới tiếp tục thù hận.
Nhưng nói gì thì nói, dù gì thì Sadam Hussein cũng đã đã thi hành xong bản án, sau đó thi thể ông sẽ được hỏa táng hay trả lại cho thân nhân đem chôn cất, thế là xong, cũng một kiếp người! Nhưng những gì sẽ xảy ra cho dân tộc Iraq đây? Câu trả lời còn đang ở phía trước.
Cầu mong cho dân tộc Iraq sớm tỉnh táo mà hòa giải với nhau, chỉ có con đường hòa giải, xóa bỏ hận thù mới mong cứu đất nước đầy khổ đau này thoát khỏi điêu linh. Thử hỏi bạn đọc, có ai chống ý tưởng này không?
"Hận thù không dành chỗ cho sự công bằng, nó làm bạn mù quáng và không còn lý trí" - Câu nói của người biết mình sắp phải chết quả là tử tế và đầy ý nghĩa.