Đến Bệnh viện Đa khoa Medlactec khám, anh Cường sững sờ khi biết mình mắc bệnh tiểu đường. Bác sĩ Nguyễn Thị Ly, Chuyên khoa Nội tiết, cho biết do đường huyết cao nên anh Cường bị mất nước, triệu chứng khát nước nhiều, da khô, tiểu tiện nhiều, sụt cân nhiều, mệt mỏi.
"Rất may, bệnh nhân đến viện khám và điều trị kịp thời. Nếu đến viện muộn hơn, bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm như hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, hôn mê nhiễm toan Ceton, thậm chí là tử vong", bác sĩ Ly nói.
Sau 5 ngày điều trị tiêm insulin kết hợp với dùng thuốc uống, glucose máu của bệnh nhân ổn hơn, tránh được những biến chứng cấp tính. Đây là một trong số nhiều bệnh nhân trẻ tuổi mắc tiểu đường mà bác sĩ Ly tiếp nhận và điều trị.
Đái tháo đường là tình trạng tăng glucose trong máu, là bệnh mạn tính, không thể chữa lành. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ngày càng nhiều người bệnh là do chế độ ăn uống, vận động không hợp lý của lối sống hiện đại, bên cạnh yếu tố di truyền.
Thống kê từ Hội đái tháo đường Việt Nam năm 2021, Việt Nam có khoảng hơn 3,5 triệu người Việt đang mắc đái tháo đường. Dự báo số người mắc bệnh này sẽ tăng lên gần 6,3 triệu vào năm 2045. Số người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người ở độ tuổi 25-30 tuổi mắc đái tháo đường mà không biết.
Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm, gây nhiều biến chứng nguy hiểm: 34% biến chứng về tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
Những biến chứng này làm gia tăng chi phí y tế , giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bác sĩ Ly khuyến cáo, người dân cần đi khám nếu xuất hiện các dấu hiệu như: Mệt mỏi, khát nước, sụt cân, đi tiểu nhiều, vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.