Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ hai, 11/3/2019, 00:03 (GMT+7)

Tình mẫu tử từ những 'lò' ấp con sinh non ở Sài Gòn

Với sự hướng dẫn của bác sĩ, những ông bố bà mẹ dùng hơi ấm của cơ thể để ấp kangaroo những đứa con sinh non yếu ớt.

Hàng tuần, các bác sĩ và điều dưỡng ở Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) tập huấn cho những phụ huynh nuôi con bằng phương pháp kangaroo. Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh, cho biết đây là phương pháp chăm sóc trẻ sinh non tháng và nhẹ cân (dưới 2,5 kg), bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc trẻ.

"Năm 1996, tổ chức Appel (Pháp) tài trợ cho bác sĩ Lương Kim Chi của Bệnh viện Từ Dũ sang Colombia để học phương pháp này. Một năm sau, bệnh viện bắt đầu xây dựng chương trình. Khởi đầu với vài cái ghế nhựa cho các bà mẹ ngồi ấp con, đến nay đơn vị đã có 76 giường bệnh, một phòng khám ngoại trú. Năm 2017 có 1.353 trẻ và 2018 có 1.917 trẻ tại viện được áp dụng phương pháp này", bác sĩ Từ Anh nói.

Việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và con giúp trẻ ổn định hô hấp và nhịp tim, hệ tiêu hóa được cải thiện, tăng lượng máu lên não, phát triển hệ thần kinh.

Khi thực hiện phương pháp này, người mẹ trở thành lồng ấp tự nhiên và ấp liên tục 24/24 giờ, cho đến khi bé được ít nhất 40 tuần thai như trong bụng mẹ.

Trên đôi chân của mỗi bé gắn thông tin tên phụ huynh, cân nặng và thời gian sinh.

"Tôi sinh ba bé trai đợt này, bé đầu tiên ổn định nên được về nhà chăm sóc. Bé út còn ấp trong lồng kính. Đứa thứ hai được chăm sóc theo phương pháp kangaroo. Hồi giờ chưa biết phương pháp này như nào, nhưng tôi nghĩ dùng hơi ấm của mình để nuôi bé cũng cảm thấy an tâm", chị Trần Ái Hương (quận 8), có mặt tại buổi học, chia sẻ.

Chị Đàm Thị Huê (27 tuổi, quê Bình Dương) ôm và hôn con trai trong lòng. Chị cho biết đây là lần đầu tiên được học phương pháp kangaroo để nuôi con.

Nữ hộ sinh Thu Ngân hướng dẫn cho một bà mẹ truyền sữa cho con qua ống tiêm.

"Ở trẻ sinh non, khả năng bú, nuốt và thở của trẻ chưa hoàn chỉnh. Do đó, sau khi được bú mẹ cần cho trẻ ăn thêm bằng ống tiêm nhỏ giọt hoặc đút muỗng".

Bên cạnh những bà mẹ, các ông bố cũng thay phiên nhau "ấp con".

Vừa ôm con, anh Dương Minh Đoan (33 tuổi, quê Bình Thuận) tâm sự: "Lần đầu tiên thấy con nhỏ xíu có cảm giác hơi sợ. Sợ vì đụng làm con đau chứ để bé nằm lên ngực cũng không quá khó khăn. Thấy bé yếu quá, tôi không dám ngủ mà nằm canh con suốt đêm. Ban đầu thì ngại ngùng, bỡ ngỡ, đến giờ tôi tự tin chăm con hơn".

Anh Nguyễn Tiến Xuân (quê Bà Rịa - Vũng Tàu) âu yếm ngắm con trong địu vải kangaroo. Anh đã phụ vợ ấp con được 2 tháng.

"Con đặt trên người nên cảm nhận được hết. Tôi thấy phương pháp này rất hay. Cảm nhận con lớn lên từng ngày. Cảm giác rất đã", anh Xuân thổ lộ.

Bà Nguyễn Thị Thận (65 tuổi, quê Phú Thọ) ấp cháu ngoại trong lòng. Bà cho biết con gái đang đau chân nên phải nằm điều trị ở khoa riêng, chỉ còn bà ngoại và bà nội thay phiên chăm cháu.

"Mẹ nó sinh đôi, một trai một gái. Bé gái ra trước, nặng 1,2 kg. Bé trai ra sau, chỉ nặng 900 g, phải nằm trong lồng kính. Bé gái đã ấp được 2 tuần, tăng được gần 200 g, da hồng hào hơn. Thời xưa, sinh non như thế này khó nuôi lắm. Bây giờ, y tế khoa học hiện đại và ý nghĩa quá".

Bác sĩ Lê Thị Cẩm Giang, Phó Khoa Sơ sinh trực tiếp hướng dẫn cho các phụ huynh phương pháp massage cho các bé trong tư thế kangaroo. Đây là một trong những hoạt động quan trọng để giúp trẻ sinh non phát triển toàn diện.

Thành Nguyễn - Cẩm Anh