Thứ tư, 24/4/2024
Thứ ba, 2/4/2019, 14:45 (GMT+7)

Thủ phạm gây đau lưng mạn tính

Độ tuổi, căng thẳng, thoát vị đĩa đệm, chấn thương, mang thai, bàn chân... khiến bạn bị đau lưng mạn tính.

Độ tuổi

Kiran Rajneesh, nhà thần kinh học tại Trung tâm Y tế Wexner trường Đại học bang Ohio (Mỹ), cho biết đau lưng mạn tính bắt đầu ở độ tuổi từ 30 đến 50 và trở nên xấu đi theo tuổi tác. Lý do là tăng cân, ít vận động.

Bong gân và căng thẳng
Theo Hiệp hội Phẫu thuật Thần kinh Mỹ, nguyên nhân phổ biến nhất của đau lưng dưới là căng thẳng hoặc bong gân.
Căng thẳng ảnh hưởng đến cơ bắp, trong khi bong gân liên quan đến dây chằng, bác sĩ Alan Cornfield nói. Cả hai có thể xảy đến bởi một chấn thương (ví dụ: chơi thể thao hoặc nâng vật nặng). Cơn đau lan tỏa vào mông nhưng không ảnh hưởng đến chân. Bạn cũng có thể bị co thắt cơ bắp.

Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm lưng xảy ra khi nhân keo của đĩa đệm bị đẩy ra ngoài và chèn ép lên dây thần kinh, tủy sống. Hậu quả là gây đau, tê và yếu. Nguyên nhân: Chấn thương hoặc đĩa đệm bị mòn.

Mang thai
Đau lưng khi mang thai ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ. Tăng cân trong mang thai khiến bạn bị đau lưng dưới, hoặc giãn dây chằng ở xương chậu để chuẩn bị cho việc sinh nở.
Để phòng ngừa, bạn cần tập luyện, ngủ nghiêng người và lót chiếc gối giữa hai chân, đi giày gót thấp, massage, sử dụng miếng đệm nóng hoặc chườm đá.

Chấn thương
Chấn thương do chơi thể thao, tai nạn xe hơi hoặc ngã có thể làm hỏng gân, dây chằng hoặc cơ bắp ở lưng. Chấn thương cũng có thể khiến cột sống bị nén quá mức, gây ra vỡ đĩa đệm. Cách điều trị tùy thuộc vào loại và mức độ tổn thương, bao gồm vật lý trị liệu, thuốc hoặc phẫu thuật.

Bàn chân
Bất kỳ vấn đề nào ở bàn chân cũng có thể dẫn đến đau lưng vì nó khiến người bệnh thay đổi tư thế đi, làm tăng áp lực lên những bộ phận khác của cơ thể như đầu gối, hông và lưng.

Theo Reader’s Digest