Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ tư, 29/10/2014, 16:29 (GMT+7)

Sống sót qua đại dịch Ebola

Benetha Cole mất chồng và 2 con bởi Ebola, nỗi đau buồn lắng sâu trong ánh mắt người phụ nữ 24 tuổi, còn cậu bé Abrahim Quota 3 tuổi cũng như 3.700 đứa trẻ khác ở Liberia trở nên mồ côi cả bố lẫn mẹ.

Mohammed Bah tại cơ sở điều trị của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF). “Tôi bị mọi người xa lánh. Giờ tôi sống với hai con”, người đàn ông sống sót buồn bã chia sẻ. Cộng đồng chưa sẵn sàng đón nhận những người từ “khu vực chết chóc” trở về.

Dẫu vậy, những người sống sót thật sự đang là hy vọng giúp thế giới ngăn chặn những đợt bùng phát trong tương lai. Theo các nhà khoa học, bệnh nhân Ebola sau khi hồi phục đã tạo được miễn dịch với virus. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể chăm sóc các bệnh nhân Ebola khác mà không sợ lây nhiễm. Liệu pháp truyền máu từ người sống sót cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kỳ vọng là cách thức điều trị Ebola đầy hứa hẹn. 

Bệnh nhi 2 tuổi James Mulbah ngơ ngác trong vòng tay mẹ, cô Tamah Mulbah, 28 tuổi. Bức ảnh được nhiếp ảnh gia ghi lại sau cuộc gặp mặt các bệnh nhân sống sót ngày 16/10/2014 tại Paynesville, Liberia.

Nỗi đau buồn vẫn ám ảnh trong mắt Benetha Cole (24 tuổi) khi cô nhắc tới cái chết của chồng và hai con vì căn bệnh quái ác. 

Chân dung những người sống sót này được nhiếp ảnh gia John Moore ghi lại ở những trung tâm điều trị tại Liberia. Đại dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử đã cướp đi hơn 2.400 sinh mạng chỉ riêng tại Liberia, chiếm tới hơn một nửa số tử vong trong đợt bùng phát hiện nay. Ước tính chỉ có 30% số người nhiễm bệnh sống sót, nhưng họ chính là minh chứng cho thấy Ebola không phải một án tử chắc chắn.  

Cậu bé 16 tuổi Jeramra Cooper lấy hai tay che mặt dưới trời nắng gắt. Cậu học sinh lớp 8 đã mất đi 6 người thân trong đợt dịch trước khi nhiễm virus và đổ bệnh khi chỉ có một mình. Em được chuyển tới điều trị tại trung tâm của MSF và hồi phục sau một tháng.

Hai nam trợ lý y tá ở độ tuổi 30 trước ca làm việc tại một trung tâm điều trị của MSF ở Liberia. Jerry (bên phải) trước đây là một người chuyên đổi tiền, còn Zaizay mưu sinh bằng nghề lái xe chở hàng. Họ mắc bệnh và được điều trị tại đây cho tới khi hồi phục. Họ ở lại để giúp đỡ và động viên những bệnh nhân đang điều trị.

Chàng sinh viên đại học 23 tuổi chiến thắng Ebola sau 18 ngày điều trị. Eric Forkpa cho biết có thể đã nhiễm bệnh khi chăm sóc người cậu mắc Ebola.

Emanuel Jolo 19 tuổi mỉm cười trước ống kính sau khi khỏi bệnh. Ebola đã cướp đi 6 người thân của cậu học sinh trung học này. Cậu nhiễm bệnh khi tắm rửa cho thi thể cha mình, ông cũng là một nạn nhân của Ebola.

Niềm vui chiến thắng Ebola của Sontay Massaley khi ra viện ngày 12/10/2014. Người phụ nữ 37 tuổi hồi phục sau 8 ngày điều trị. Sontay bán hàng rong tại chợ trước khi nhiễm bệnh. Cũng giống như nhiều cư dân sống trong tâm dịch, Sontay mất đi 3 người thân là chồng và hai con nhỏ. 

Bé trai 5 tuổi Abrahim Quota bên ngoài trung tâm điều trị Ebola JFK ngày 13/10/2014. Bé được chuyển tới đây điều trị cùng cha mẹ nhưng họ không qua khỏi. Bộ Y tế Liberia đã đưa cậu bé mồ côi đến nhà bà con tá túc sau khi xuất viện. Cũng như Abrahim, hơn 3.700 trẻ em khác ở các quốc gia tâm dịch như Liberia, Guinea, Sierra Leone đã mất đi cha hoặc mẹ vì Ebola. 

Anh Lassana Jabeteh là một nhân chứng khác về sức mạnh chiến thắng Ebola của con người. Trong hình, người đàn ông 36 tuổi cười tươi hạnh phúc trước lúc vào ca trực với vai trò trợ lý y tá. Trước đây, Lassana là tài xế taxi, anh tin rằng mình nhiễm Ebola sau khi chở một cảnh sát bị ốm đã nôn ngay trên đường tới bệnh viện.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới thuê những bệnh nhân hồi phục như Lassana tiếp tục ở lại các trung tâm trợ giúp các y bác sĩ, truyền thêm động lực tinh thần và chăm sóc cho các bệnh nhân khác đang giành giật sự sống với Ebola. 

Khánh Hà (Theo Huffingtonpost)