Nguyên tắc quan trọng của dự phòng loét do tì đè là đánh giá và loại trừ lực tì đè kéo dài. Đầu tiên cần đánh giá các nguy cơ có thể xuất hiện loét do tì đè, trong đó đặc biệt chú ý đến những bệnh nhân có nguy cơ cao như bị hôn mê, liệt, gãy cổ xương đùi, người già nằm lâu…
Nên thường xuyên thay đổi tư thế cho người bệnh giãn cách từ 2 đến 3 giờ. Dùng các loại gối chêm, kê lưng và các chi sao cho người bệnh được nằm ở tư thế thoải mái nhất (tư thế sinh lý). Bằng cách thay đổi tư thế tuần tự như năm thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, bệnh nhân không phải nằm bất động trong một tư thế nào quá lâu.
Có thể cho người bệnh nằm nệm nước hay nệm khí vì loại nệm này có tác dụng phân tán lực tì đè. Lưu ý: Không để người bệnh tiếp xúc trực tiếp với nệm nước vì chất liệu nylon cũng không tốt nếu tiếp xúc lâu, có thể bằng cách phủ một tấm vải phủ lên trên rồi mới cho họ nằm xuống. Dù sử dụng nệm khí hay nệm nước vân cần phải trở lật trở bệnh nhân thường xuyên.
Chú ý giữ cho vải trải giường luôn khô ráo, phẳng phiu. Giữ gìn da khô, sạch sẽ nhất là những vùng dễ bị loét tì, vùng cơ quan sinh dục và chậu mông phải đảm bảo sạch sẽ, khô thoáng sau mỗi lần người bệnh đi vệ sinh.
Người nhà có thể giúp xoa bóp những vùng dễ bị loét ép của bệnh nhân, kết hợp với các vận động thụ động như cử động ngón tay, gập duỗi khuỷu tay (như các trường hợp liệt tứ chi), các động tác thụ động có công dụng tăng hồi lưu tĩnh mạch, tránh tình trạng ứ trệ tuần hoàn. Có thể sử dụng dung dịch hỗ trợ thoa lên da những vùng đó có tác dụng làm tăng sự đàn hồi. Xác định các dấu hiệu báo trước một tổn thương loét như vùng đỏ da, mảng da phù nề...
Cách chăm sóc:
- Khi vùng da bị tì đè chuyển sang màu đỏ thì cần xoa bóp. Có thể thoa hoặc xịt dung dịch điều trị một hoặc hai lần vào vùng da bị tì đè rồi dùng các đầu ngón tay xoa đều, nhẹ nhàng trong một phút để ngấm thuốc. Lưu ý không để vùng da đó tiếp xúc với các vật xung quanh.
- Khi vùng tỳ đè xuất hiện nốt phỏng da ngoài việc xoa bóp, cần phải giữ sự toàn vẹn của da nơi vết phỏng nhằm tránh bội nhiễm bằng cách biến nốt phỏng ướt thành nốt phỏng khô. Có thể dùng bơm kim tiêm vô khuẩn hút dịch trong nốt phỏng ra rồi băng vô khuẩn lại.
- Khi vùng tì đè đã bị trượt da thì nên chăm sóc vị trí tì đè như chăm sóc một vết thương phỏng. Những vùng chưa bị loét thì vẫn duy trì chăm sóc, theo dõi như trên.
Nếu người thân không có những kỹ năng chăm sóc vết thương, phỏng tại nhà, tốt nhất, nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Loét do tì đè là hậu quả của quá trình bị tì đè kéo dài gây thiếu máu nuôi tổ chức và chết tế bào, thường xảy ra ở những người mắc bệnh mạn tính. Vì vậy điều trị loét do tì đè rất khó khăn, cần có sự kết hợp của nhiều chuyên khoa. Cách tốt nhất là dự phòng căn bệnh này ngay từ lúc nó chưa hình thành.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ