Sức khỏe
Thứ ba, 25/2/2020, 01:33 (GMT+7)

Ngày làm việc trong khu cách ly bệnh nhân corona

Vĩnh PhúcTừ ngày có dịch, 29 nhân viên y tế tại Phòng khám Quang Hà không về nhà. Cứ 5h sáng, điều dưỡng Bùi Thị Kim Huệ thức dậy cùng đồng nghiệp, chuẩn bị đồ bảo hộ.

6h, chị bắt đầu bằng việc lau tường nhà, rồi đến giường bệnh, lau một lượt sàn nhà, vệ sinh sảnh, bên ngoài khu. Đồng nghiệp của chị phun khử khuẩn toàn bộ phòng khám và các khu vực lân cận bằng Cloramin B.

Tại ba khu vực sẽ có ba nhóm vệ sinh, một ngày ba lần, buổi sáng 7-8h, trưa 11-12h, chiều 15h30-16h30, ai phụ trách khu nào sẽ làm việc nguyên trong khu đó để đảm bảo không di chuyển nhiều, hạn chế lây nhiễm. 

Chị Huệ làm vệ sinh khu phòng bệnh từ sáng sớm. Lịch trình làm việc như thế này bắt đầu từ ngày 4/2, khi Phòng khám trở thành điểm tập trung điều trị cách ly cho  người nhiễm và nghi nghiễm ở Vĩnh Phúc. Cũng từ ngày đó chị chưa về nhà. 

7h sáng, tất cả y bác sĩ có mặt tại phòng giao ban để ăn sáng và họp, bàn kế hoạch chống dịch. Nơi đây cũng là khu sinh hoạt chung của mọi người.

Phòng khám Đa khoa Quang Hà mùa dịch có thêm các bác sĩ tuyến trên được cử xuống để hỗ trợ. Các bác sĩ tại đây chia sẻ vui với nhau rằng ngày đầu chống dịch chẳng quen biết ai với ai, lại toàn đeo khẩu trang, mọi người phải bảo nhau trong lúc họp giao ban phải tháo hết khẩu trang ra thì mới nhận diện được.

Sau khi giao ban, các bác sĩ và điều dưỡng tại khu cách ly đặc biệt sẽ vào buồng lấy thuốc men, sau đó chuẩn bị mặc đồ bảo hộ thăm khám cho bệnh nhân, xem toàn trạng bệnh nhân có khỏe mạnh không, có gì bất thường không.

Điều dưỡng Bùi Thị Kim Huệ cùng bác sĩ Lưu Thị Xuân vào phòng bệnh nhân, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn. 

Khu cách ly đặc biệt ngày 23/2 còn một bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Vinh, 50 tuổi nhiễm nCoV. Ông Vinh đã thức giấc, nằm yên trên giường. Bác sĩ Xuân lấy ra các dụng cụ đo mạch, huyết áp cho ông. Theo phác đồ của Bộ Y tế, bác sĩ truyền dịch để nâng cao thể trạng bệnh nhân, cùng với đó là hướng dẫn ông sử dụng thuốc. Công việc thăm khám diễn ra khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày.

"Bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A nên các y bác sĩ cũng phải hạn chế thời gian tiếp xúc sao cho ngắn nhất", bác sĩ Xuân cho biết.

Các y bác sĩ và điều dưỡng tuyến huyện tại phòng khám chưa từng tiếp xúc với căn bệnh truyền nhiễm như vậy trước đây. Mặc dù có công tác chuẩn bị phòng chống dịch nhưng thời gian đầu họ khá lo lắng.

Sau đó Bộ Y tế và các đồng nghiệp từ tuyến trung ương về hỗ trợ chăm sóc điều trị bệnh nhân, hướng dẫn làm công tác chống nhiễm khuẩn, đội ngũ y tế cơ sở yên tâm hơn. "Hiện chỉ còn một bệnh nhân dương tính nên chúng tôi cũng nhàn hơn những ngày có 4-5 bệnh nhân nhiễm nCoV trước đây", chị Huệ chia sẻ.

Trở về phòng làm việc, vẫn trong trang phục bảo hộ, nhân viên y tế dùng điện thoại chụp lại các kết quả xét nghiệm, báo cáo tình hình thăm khám sức khỏe bệnh nhân và gửi cho lãnh đạo. Việc lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho bệnh nhân sẽ do bác sĩ tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Vĩnh Phúc thực hiện theo chỉ định.

Cả ngày mặc trang phục bảo hộ, ban đầu các nhân viên y tế cảm thấy rất bức bối. "Giờ tôi quen rồi", chị Huệ nói. "Bây giờ tôi lại cảm thấy yêu thích bộ đồ này, vì nó bảo vệ cho cả mình và nhân viên y tế, nhìn cũng đáng yêu đấy chứ".

Cạnh khu cách ly đặc biệt là khu nghi nhiễm. Có gần 50 người đã tiếp xúc gần với các bệnh nhân dương tính nCoV, được cách ly tập trung tại đây. Một nhóm nhân viên y tế khác theo dõi sức khỏe của gần 50 người này. Hàng ngày, các y bác sĩ khám tổng quát, đo mạch, huyết áp, kê đơn thuốc cho bệnh nhân sử dụng. Vài ngày, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm một lần, đảm bảo không để sót ca dương tính nCoV nào.

Các nhân viên y tế chia sẻ, những ngày đầu đội ngũ y tế phải túc trực suốt ngày đêm vì các bệnh nhân sốt và có diễn biến nặng. Những người khỏe mạnh khi vào cách ly thì tâm lý lại không tốt, cộng với việc người nhà cũng bị cách ly hết nên càng hoang mang, lo lắng.

Khu cách ly đặc biệt và khu nghi nhiễm tại Phòng khám Đa khoa Quang Hà tuy chỉ cách nhau có mấy mét nhưng họ không được gặp nhau. Tất cả phải tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn. Về sau sức khỏe và tinh thần các bệnh nhân ổn định hơn, công việc của nhân viên y tế cũng nhẹ nhàng hơn.

Căn phòng ngủ của y bác sĩ tại phòng khám rộng chừng 25 mét vuông, gồm 2 chiếc giường lớn, hai giường đơn, một chiếc bàn làm việc kê sát cửa ra vào và một chiếc tủ để đồ chia ngăn. Đây là nơi mọi người quây quần tâm sự, chia nhau hộp sữa, chiếc bánh trong giờ giải lao.

12h trưa, có khoảng 5 nhân viên y tế làm công tác chuẩn bị, phát cơm đến từng phòng cho bệnh nhân. Phòng khám không có chỗ nấu nướng, cơm canh phải đặt từ bên ngoài về. Sau khi phát cơm cho người bệnh, gần 30 y bác sĩ mới ăn. 

Lần lượt 4 bệnh nhân ra viện, tâm trạng của mọi người nhẹ đi rất nhiều, cảm thấy thoải mái hơn, áp lực không còn đè nặng.

Với bác sĩ Xuân, buồn nhất là các buổi chiều khi điện thoại của người nhà réo liên tục. "Nhớ nhà lắm!", chị nói. Nữ bác sĩ chỉ được nhìn thấy con qua màn hình video trực tuyến, nghe giọng con qua điện thoại. Các con ngày nào cũng đều hỏi “bố ơi, bao giờ mẹ về”.

Điều dưỡng Huệ có hai con nhỏ đều phải gửi ông bà ngoại chăm sóc. Người thân ban đầu lo lắng cho công việc của chị, phải giải thích để mọi người trong gia đình hiểu. 

"Kỷ niệm những ngày chống dịch rất nhiều, nhờ vậy mà chúng tôi học được rất nhiều điều về nghề nghiệp và tình người", các bác sĩ cho biết.

Bài: Thúy Quỳnh - Chi Lê
Ảnh: Giang Huy