Sức khỏe
Thứ bảy, 29/2/2020, 00:03 (GMT+7)

Hai tháng thế giới ứng phó Covid-19

Thế giới đã trải qua hai tháng chiến đấu với dịch viêm phổi corona, khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, đầu tháng 12/2019 rồi lan đến 56 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Một sản phụ đang sinh con tại bệnh viện Vũ Hán, trên mặt vẫn đeo khẩu trang. Thành phố trung tâm tỉnh Hồ Bắc là nơi khởi phát dịch bệnh từ đầu tháng 1. Một nhóm tình nguyện viên tại đây đã làm việc hết mình giúp đỡ nhiều phụ nữ mang thai kịp thời đến bệnh viện giữa thời điểm phong tỏa. Ảnh: AFP.

Người dân Trung Quốc xếp hàng mua khẩu trang tại một công ty vật tư y tế ở Nam Ninh, khu tự trị Quảng Tây. Nỗi sợ viêm phổi corona len lỏi vào cuộc sống của họ.

Nhu cầu khẩu trang tăng cao dẫn đến tình trạng khan hiếm, bất chấp lời khuyên của các chuyên gia y tế, rằng những ai chưa có biểu hiện bất thường không nhất thiết sử dụng mặt hàng này. Ảnh: AP.

Một giáo viên dạy yoga trực tuyến tại studio ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Các lớp học online dần trở nên phổ biến với người dân đại lục sau khi dịch bệnh bùng phát một cách nhanh chóng.

Giới chức y tế nước này cũng khuyến cáo người dân nên ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết. Ảnh: EPA.

Các nhân viên y tế làm việc trong dây chuyền sản xuất thuốc chống sốt rét tại một công ty dược phẩm ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Giới chức Trung Quốc cho biết loại thuốc này có hiệu quả trong việc điều trị Covid-19. Ảnh: Reuters.

Tại Seoul, nhiều người đội mưa xếp hàng để mua khẩu trang. Gần một nửa số bệnh nhân Hàn Quốc là thành viên của giáo phái Tân Thiên địa ở thành phố Daegu. Họ bị lây nhiễm từ một người phụ nữ 61 tuổi trong buổi lễ tại nhà thờ. Dịch Covid-19 gần đây đã lan rộng tại nước này, biến Daegu thành "Vũ Hán thứ hai". Ảnh: Reuters.

Người Nhật Bản đeo khẩu trang để đi làm vào giờ cao điểm. Ga tàu Shinagawa, Tokyo, buổi sáng luôn chật kín người dù dịch bệnh lây lan. Chỉ số chứng khoán Nikkei Tokyo giảm 3% vào ngày 28/2. Ảnh: AFP.

Một phụ nữ ở Bangkok, Thái Lan đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Nước này ghi nhận 40 ca dương tính Covid-19 tính đến ngày 28/2. Trước đó, giới chức y tế đã sử dụng kết hợp thuốc chữa cúm và HIV để điều trị cho bệnh nhân. Sức khỏe của họ sau đó được cải thiện rõ rệt. Ảnh: AFP.

Người bệnh được vận chuyển bằng cáng từ xe cứu thương vào một chiếc lều do Bảo an Dân sự dựng tạm bên cạnh khu cấp cứu bệnh viện Piacenza, miền bắc Italy. Ảnh: AP.

Một nhân viên y tế đứng bên trong đơn vị xét nghiệm di động tại Bệnh viện Hipolito Unanue do Bộ Y tế Peru thành lập phòng trường hợp có ca dương tính. Peru chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 nào. Ảnh: AFP.

Hành khách tại sân bay quốc tế Jorge Chavez ở Lima, Peru đeo khẩu trang 3M để phòng lây nhiễm virus. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế khử trùng trường học tại thành phố Thessaloniki, Hy Lạp sau khi một học sinh được chẩn đoán nhiễm virus corona. Nước này đã ghi nhận 3 trường hợp dương tính. Ảnh: Reuters.

Một người đàn ông Pakistan bày bán khẩu trang vải sau khi nước này ghi nhận những ca bệnh đầu tiên. Tiến sĩ Zafar Mirza cho biết một trong hai trường hợp dương tính đã đến Iran. Hiện người này được điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Karachi.

Iran đã chịu cảnh cô lập từ các nước láng giềng như Pakistan, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Mỹ sau khi có 50 người chết vì Covid-19. Ảnh: EPA.

Nhân viên y tế khử trùng toa tàu ở ga Sài Gòn. Là nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam ban đầu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ cao bị dịch Covid-19 xâm nhập và lây lan rộng. Từ giữa tháng 12 năm ngoái, Việt Nam đã tiến hành các biện pháp chống dịch quyết liệt, khoanh vùng, cách ly triệt để người nhập cảnh từ Trung Quốc và đến cuối tháng 2 thêm người từ Hàn Quốc. Đến ngày 29/2 Việt Nam ghi nhận 16 ca dương tính nCoV, tất cả đều đã được điều trị khỏi bệnh. Ảnh: Quỳnh Trần.

Thục Linh (Tổng hợp)