Thứ năm, 28/3/2024
Thứ tư, 27/1/2016, 14:22 (GMT+7)

Đi vệ sinh thế nào tốt cho sức khỏe

Thời điểm đi vệ sinh tốt nhất là từ 5-7h khi đường ruột co thắt mạnh mẽ nhất.

Tại sao bạn luôn thức dậy nửa đêm để đi tiểu thay vì đại tiện. Nguyên nhân là các tế bào thần kinh ở khu vực đường ruột kiểm soát cơn co thắt đại tràng bị ảnh hưởng bởi nhịp sinh học của cơ thể. Thông thường mọi người không có nhu cầu đi “nặng” vào buổi đêm bởi các tế bào thần kinh này đang “ngon giấc”. Trong khi đó bàng quang vẫn chứa nước tiểu từ thận và khiến bạn có nhu cầu giải quyết khi bàng quang tích đầy nước. Thông thường một người ngủ đến 6-8 tiếng mà không cần đi vệ sinh nếu đêm trước không uống quá nhiều nước.

Thời điểm đi vệ sinh tốt nhất là 5-7h sáng. Đại tràng im lìm cả đêm như bừng tỉnh khi bạn thức dậy và có nhu cầu đẩy chất thải ra khỏi cơ thể. Thói quen đi vệ sinh tốt nhất là ngay sau khi thức dậy bởi lúc này sự co thắt đại tràng mạnh mẽ và hiệu quả nhất. Đi vệ sinh đầu ngày thải hết độc tố còn giúp bạn bắt đầu ngày mới sảng khoái hơn.

Tại sao uống cà phê thúc đẩy nhu cầu đi vệ sinh? Hơn 30% người được khảo sát cho biết họ có nhu cầu đi vệ sinh sau khi uống cà phê. Các nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân là do cà phê kích thích đại tràng, tăng tốc loại bỏ chất thải. 

Theo tạp chí Outside (Mỹ), mỗi lần đi đại tiện sẽ kích thích dây thần kinh phế vị nên có thể gây ớn lạnh, toát mồ hôi hay giảm huyết áp và nhịp tim. Ăn cay sẽ làm “đầu ra” nóng hơn và khiến bạn thấy khó chịu kèm một chút đau đớn trong quá trình đi vệ sinh. Đặc biệt ăn đồ nướng cay nóng kết hợp uống rượu bia sẽ khiến việc đi vệ sinh sau đó trở nên cực hình hơn.

Gần 40% người đi du lịch bị táo bón khi đến vùng đất mới do việc thay đổi thói quen, lạ nhà vệ sinh. Thời điểm bữa ăn ngẫu hứng, di chuyển bằng nhiều phương tiện, thức khuya khiến nhịp sinh học cơ thể bị xáo trộn có nguy cơ khiến bạn “nhịn” trong vài ngày liền.

Trong thời kỳ đèn đỏ, phụ nữ sẽ có nhu cầu đi vệ sinh nhiều hơn. Nguyên nhân là cơ thể tăng cường sản xuất hormone Prostaglandin ảnh hưởng đến đường ruột, kích thích đẩy chất thải nhiều hơn.

Nếu phân không chìm khi giật nước có thể do bạn tiêu thụ quá nhiều chất béo hoặc hệ tiêu hóa gặp vấn đề về hấp thụ chất dinh dưỡng.  

Những người đang dùng thuốc điều trị, vừa trải qua phẫu thuật cũng có thể mắc chứng táo bón. Có thể nhờ sự hỗ trợ từ thuốc để làm mềm chất thải dễ dàng đào thải chúng ra bên ngoài.

Như Mây (Theo Reader's Digest)