Tuần tư vấn Đau tức ngực & Các bệnh tim mạch
Chuyên gia Hệ thống BVĐK Tâm Anh giải đáp thắc mắc về bệnh tim mạch cùng nhiều bệnh lý khác mà độc giả quan tâm.
Bác sĩ cho tôi hỏi, khoảng 2 tháng nay phía sau đầu của tôi thường bị đau nhói liên tục. Tôi bị viêm xoang sàn có chảy nước mũi, đôi khi làm nghẹt mũi khó thở. Trong khi tôi không có bệnh nền. Xin bác sĩ tư vấn giùm. Xin cảm ơn!
Chào bạn, bạn bị viêm xoang với triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu khoảng 2 tháng nay. Bạn từng được bác sĩ chẩn đoán viêm xoang sàng, có thể bạn đã bị viêm xoang mạn tính, sau đó xuất hiện những đợt cấp của viêm xoang.
Bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ nội soi kiểm tra tình trạng mũi xoang xem mức độ nặng hay nhẹ. Nếu bạn đau đầu nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn chụp CT để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Có một số nguyên nhân viêm xoang có thể điều trị phẫu thuật hiệu quả như viêm xoang do nấm, viêm xoang polyp mũi... Chúc bạn mau bình phục!
Thưa bác sĩ,
Con trai tôi sinh năm 2006, cháu cao 1,7m nặng 75kg đã 2 lần nhập viện liền nhau là tháng 5 và tháng 8/2021 do viêm cơ tim cấp không rõ nguyên nhân. Xin cho tôi hỏi:
1. Viêm cơ tim có cách nào tìm nguyên nhân chính xác và chữa dứt điểm được không?
2. Sau khi tiêm vaccine ngừa Covid có cần theo dõi gì đặc biệt không?
Xin cảm ơn bác sĩ!
Chào chị,
Viêm cơ tim do nhiều nguyên nhân, một số trường hợp không xác định chính xác được tác nhân gây viêm cơ tim. Do đó, chị nên đưa cháu tái khám theo hẹn và theo dõi thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để được điều trị thích hợp. Sau tiêm ngừa vaccine Covid-19 cần theo dõi biến chứng viêm cơ tim liên quan đến vaccine. Chị cho cháu đi khám chuyên khoa sớm khi thấy tim đập nhanh, mệt, hồi hộp, khó thở. Thân mến!
Thưa bác sĩ, tôi là nhân viên văn phòng. Từ trước đến giờ tôi hay bị tức ngực bên trái, đau nhói từ bên trong như kim đâm, tần suất không dày, 1 tháng bị vài lần. Xin hỏi là tôi có thể bị những bệnh gì?
Cảm ơn bác sĩ!
Chào anh,
Triệu chứng nhói ngực trái có thể gặp trong nhiều bệnh như thiếu máu cơ tim, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh phổi, bệnh dạ dày, thực quản, bệnh cơ xương, thần kinh thành ngực... Do đó, anh nên đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám và thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán bệnh chính xác và có hướng điều trị phù hợp cho anh.
Để đặt lịch khám tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, anh có thể liên hệ qua Tổng đài 0287 102 6789 (TP.HCM) hoặc 1800 6858 (Hà Nội) để được hỗ trợ. Thân mến!
Dạ bác sĩ cho em hỏi, em đang cho con bú, bé gần 9 tháng tuổi trẻ. Em được tiêm vacxin verocell thì có ảnh hưởng gì đến việc nuôi con bằng sữa mẹ không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm được vaccine ngừa Covid-19 (trừ vaccine Sputnik V - theo khuyến cáo của Bộ Y tế). Tất cả vaccine được phê duyệt hiện nay không sử dụng virus còn sống, do đó, không có nguy cơ lây nhiễm virus sang trẻ qua sữa mẹ. Một số bằng chứng cho thấy, sau khi tiêm vaccine, các kháng thể được tìm thấy trong sữa mẹ và có thể giúp bảo vệ trẻ chống lại Covid-19. Do đó, bạn có thể cho con bú và vẫn tiếp tục tiêm vaccine Verocell. Thân mến!
Chào bác sĩ. Vợ em bị lao vú gần 2 năm rồi. Đi khám bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đã điều trị hết lao và mổ 1 bên vú. Giờ vợ em đang có bầu 7 tháng. Bác sĩ cho em hỏi, vợ em sinh xong thì em bé bú mẹ có bị ảnh hưởng gì cho mẹ và bé không ạ?
Chào bạn,
Lao tuyến vú là bệnh lý thuộc chuyên khoa Lao. Theo thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ dữ kiện về thời gian điều trị khỏi bệnh và tình trạng sức khỏe sau điều trị cũng như sức khỏe hiện tại của vợ bạn. Do đó, vợ bạn nên khám với bác sĩ chuyên khoa Lao để được tư vấn cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế hiện tại của vợ bạn. Chúc vợ bạn sức khỏe và mẹ tròn con vuông! Thân mến!
Tôi có những thắc mắc như sau về bệnh tiểu đường, nhờ bác sĩ giải đáp giúp:
1/ Đường huyết nên thử lúc đói (buổi sáng) hay sau ăn 2 tiếng?
2/ Khi đi khám bệnh khác, thì có lướt qua kiểm tra đường huyết tức thời và thấy thấp, nên vô tình bác sĩ bỏ qua mà không kiểm tra Hba1c. Đến lúc bị tiểu đường thì mới kiểm tra Hba1c thì đã muộn, vậy nên thế nào?
3/ Có người đường huyết khi đói thấp, chỉ bị rối loạn đường huyết sau ăn. Hba1c không cao. Thử dung nạp gluco thì hơi cao. Đường huyết khi đói thấp. Vậy tiêu chí đánh giá bị tiểu đường dựa vào yếu tố nào?
4/ Người bị tiểu đường duy trì đường huyết ổn định, Hba1c ok thì định kỳ cần xét nghiệm những gì? VD microabumin niệu... khi thấy không tốt thì phải như thế nào, trong khi duy trì đường huyết ổn định và Hba1c tốt.
Chào bạn, tôi xin được giải đáp thắc mắc của bạn lần lượt như sau:
1. Đường máu lúc đói (sáng), đường máu sau ăn 2h, HbA1C đều cần thiết trong quản lý bệnh đái tháo đường và có ý nghĩa khác nhau. Đường buổi sáng lúc đói do gan tiết ra trong đêm và được kiểm soát bằng insulin tiết ra ban đêm hay mũi insulin nền, đường huyết sau ăn (thường đo sau ăn 2h) phản ảnh hoạt động tiết insulin trong bữa ăn, HbA1C phản ánh hiệu quả điều trị đái tháo đường trong thời gian 3 tháng gần nhất. Người bệnh được kiểm soát đường máu tốt phải đáp ứng cả 3 chỉ số trên.
2. Đa số bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường có đường máu lúc đói cao. Tuy nhiên có một số bệnh nhân có đường máu buổi sáng không cao, thậm chí bình thường vẫn bị đái tháo đường. Thông thường chỉ kiểm tra xét nghiệm glucose lúc đói là đủ, nhưng một số trường hợp có nguy cơ bị bệnh đái tháo đường cao thì bác sĩ sẽ cho làm thêm nghiệm pháp tăng đường huyết và cả xét nghiệm HbA1C.
3. Xác định bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường có nhiều tiêu chí khác nhau như: đường máu lúc đói cao và/hoặc đường máu sau làm nghiệm pháp cao (>=11.1mmol/L) và/hoặc đường máu bất kỳ >=11.1mmol/L kèm triệu chứng kinh điển của bệnh đtđ và/hoặc HbA1C >=6.5% (labo được kiểm chuẩn quốc tế). Mỗi chỉ số trên cũng cần thêm thông tin khác nữa tuỳ từng cá thể.
4. Người bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt đường máu như đã nói trên. Ngoài việc tự theo dõi đường máu tại nhà thì vẫn phải khám tại bệnh viện định kỳ để kiểm tra kết quả đường máu, các tác dụng phụ của thuốc, việc kiểm soát các bệnh kèm theo (THA, RLLP,...), các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân có biến chứng thì bác sĩ sẽ điều trị tuỳ trường hợp cụ thể.
Em bị hở van tim 3 1/4 lá, rối loạn nhịp tim. Em thường hay bị hạ Kali máu, bị vôi hoá. Bác sĩ cho em hỏi, bệnh em có nguy hiểm không? Em cảm ơn.
Chị Phương thân mến,
Theo thông tin chị cung cấp, chị nên đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, kiểm tra cận lâm sàng để có thể chẩn đoán chính xác và điều trị đầy đủ những bất thường mà chị đang gặp phải. Hở van 3 lá 1/4 là hở nhẹ, không quan trọng. Loạn nhịp tim có rất nhiều thể loại từ lành tính đến nguy hiểm, chị cần được chẩn đoán xác định bằng đo điện tim hoặc gắn Holter điện tim 24 giờ. Tương tự hạ kali máu và vôi hóa (?) cũng cần được tìm hiểu nguyên nhân chính xác.
Để đặt lịch khám với các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị có thể liên hệ qua Tổng đài 0287 102 6789 (TP.HCM) hoặc 1800 6858 (Hà Nội) để được hỗ trợ. Thân mến!
Chào bác sĩ, em năm nay 32 tuổi, hiện đang mang thai lần 2.
Em sinh thường bé đầu lúc 40 tuần, bé nặng 2,9kg, trong quá trình sinh bé em có cảm giác nghe được tiếng rắc rắc và tách ra tại xương cụt. Sau đó em thấy rất đau khi đứng lên, ngồi xuống, và khi thay đổi tư thế. Tầm 3-4 tháng sau em mới thấy đỡ dần. Đến nay đã hơn 2 năm nhưng mỗi khi đi xe máy lâu chút, em bước xuống xe vẫn cảm thấy đau về ê buốt vùng xương cụt.
Bác sĩ cho em hỏi em bị vậy là bị gì ạ, và em sinh bé sau có nguy cơ bị tái lại không?
Em xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Mang thai là một quá trình thay đổi rất lớn về tinh thần lẫn thể chất, nhất là 3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là các cơ khớp vùng chậu và vùng lưng dưới. Khi vào chuyển dạ sanh, khung chậu của mẹ phải giãn nở tối đa để chuẩn bị cho cuộc sanh. Quá trình đi xuống của thai vào khung chậu người mẹ để thoát ra ngoài có thể gây một số tổn thương cơ khớp vùng chậu. Vì vậy, phụ nữ sau sinh cần một khoảng thời gian 6-8 tuần để phục hồi lại cơ thể. Nếu 2 năm sau sanh bạn vẫn còn ê buốt vùng xương cùng cụt, bạn nên đến bệnh viện có khoa cơ xương khớp để thăm khám và khảo sát thêm một số kiểm tra cận lâm sàng bạn nhé!
Tôi bị trĩ nội độ 3, xin hỏi chi phí điều trị hết bao nhiêu ạ?
Chào bạn,
Với tình trạng trĩ nội độ 3, chúng tôi đang áp dụng phương pháp tiêm xơ nội soi là tối ưu nhất nhằm đem lại cho bạn các hiệu quả như: ít đau sau thủ thuật (so với PT cắt trĩ, Longo, laser, HCPT...); thời gian bình phục nhanh; chi phí thấp hơn vì không phải dùng máy khâu Longo, dây đốt laser...; ít biến chứng... Phương pháp này có tỷ lệ khỏi bệnh trên 95%.
Chi phí điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như việc bạn có sử dụng các loại bảo hiểm hay không... Bạn có thể liên hệ tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua hotline 0287 102 6789 để được tư vấn cụ thể về chi phí.
Thân mến,
Tôi 47 tuổi, gần đây thường xuyên rất khó bắt đầu vào giấc ngủ. Người buồn bực, nhức mỏi. Tôi có uống một số vitmin bổ trợ, nhưng không ăn thua. Mong bác sĩ tư vấn.
Chào bạn,
Mất ngủ có nhiều dạng như khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ tốt, hay thức giấc về đêm. Mất ngủ có thể có các nguyên nhân nguyên phát (không biết nguyên nhân cụ thể) hay thứ phát như các rối loạn hệ thần kinh liên quan giấc ngủ, các bệnh nội khoa như đau khớp gây khó ngủ hay các rối loạn lo âu, trầm cảm mà thường có tỷ lệ mất ngủ cao. Trường hợp của anh (chị) nên đến bệnh viện khám để các bác sĩ chẩn đoán cụ thể hơn tình trạng mất ngủ của mình do nguyên nhân lo âu hay nguyên nhân khác gây ra. Thân mến!
Chào bác sĩ. Con trai tôi 11 tuổi, cháu bị thiếu máu Thalassemia thể nhẹ, chưa từng truyền máu. Bác sĩ nói theo dõi nếu có biểu hiện bất thường mới phải điều trị, hiện bé vẫn ăn uống và phát triển trí não bình thường, nhưng bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Bác sĩ cho tôi hỏi, con tôi có thể tiêm vắc xin ngừa Covid được hay không? (Tôi nghe trường thông báo là sẽ tiêm vắc xin Pfizer) Nếu tiêm thì có bắt buộc phải tiêm tại bệnh viện không ạ? Cảm ơn bác sĩ.
Chào chị,
Theo công văn số 8688/BYT-DP ngày 14/10/2021, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, trẻ có thể được tiêm vaccine Covid-19 tại các Trung tâm tiêm chủng, các điểm tiêm cộng đồng và đặc biệt, nhóm trẻ em có bệnh lý cần được tiêm tại bệnh viện có chuyên khoa Nhi, nơi có đủ các điều kiện khám sàng lọc tiêm chủng, khám bệnh và cấp cứu xử trí phản ứng sau tiêm nếu có.
Tuy nhiên, tại thời điểm khám sàng lọc trước tiêm chủng, bác sĩ sẽ xem xét trẻ có đủ điều kiện về độ tuổi, tình trạng sức khỏe có thể tiêm chủng tại cộng đồng hay phải đến bệnh viện và có chỉ định phù hợp. Thân mến!
Vợ chồng em chưa có bé nào, em vừa làm IVF chuyển 2 phôi D3 nhưng thất bại. Em chỉ được 2 phôi, chỉ số AMH là 1.3. Em có u xơ 20mm. Em nên tiếp tục làm IVF ngay hay nghỉ ngơi 1 vài chu kỳ rồi mới tiếp tục. Mong bác sĩ tư vấn giúp em ạ. Em xin cảm ơn.
Chào chị,
Với xét nghiệm AMH của chị là 1.3 cho thấy số lượng trứng của chị không có nhiều. Nếu sức khỏe và tinh thần của chị tốt thì chị nên tham gia hỗ trợ sinh sản sớm để có đủ con sớm nhất có thể. Tuy nhiên, chị lại có u xơ tử cung và đã từng chuyển phôi 1 lần thất bại, do đó nếu được chị và chồng nên đến khám mang theo toàn bộ các xét nghiệm đã làm để chúng tôi thăm khám và tư vấn chính xác vị trí cũng như kích thước u xơ tử cung của chị xem liệu có ảnh hưởng gì đến buồng tử cung hay khả năng mang thai hay không. Qua buổi thăm khám, chúng tôi cũng có thêm thông tin để chẩn đoán chính xác hơn tình trạng sức khỏe sinh sản của cả hai vợ chồng, từ đó có hướng điều trị tốt nhất cho gia đình chị.
Đợt gần đây mỗi lần chuẩn bị vào giấc ngủ thì em hay bị co giật toàn thân. Đôi khi giật mạnh quá thì tỉnh ngủ luôn. Đây có phải biểu hiện của động kinh không ạ?
Chào bạn,
Trường hợp co giật cơ toàn thân khi chuẩn bị vào giấc ngủ có thể được gọi là cử động bất thường trong giấc ngủ, thường gặp trong các bệnh lý hội chứng chân không yên, co giật cơ quá mức từng bộ phận, hoặc cơn động kinh toàn thể về đêm. Để chẩn đoán xác định nguyên gây co giật toàn thân, bác sĩ cần khám trực tiếp và có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Bạn nên đến khám chuyên khoa Nội thần kinh để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp nhé.
Nếu bạn có thắc mắc thêm, bạn có thể liên hệ đến Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh qua hotline 0287 102 6789.
Năm 2020 tôi siêu âm tim khoẻ 1/4, 2021 thì hở 2/4. Cho tôi hỏi liệu các năm về sau tôi có hở nặng hơn không? Và có uống thuốc hay điều trị gì không ạ? Tôi không thấy tức ngực hay hụt hơi.
Chào chị,
Hở van 2 lá 1/4 hay 2/4 là tình trạng hở van nhẹ, thường gặp 70% ở người bình thường khỏe mạnh khi làm siêu âm tim. Trường hợp chị làm siêu âm tim 2 năm liên tiếp thấy có sự thay đổi từ 1/4 sang 2/4 thì bác sĩ cần thêm một số thông tin khác trước khi kết luận là hở van này nặng lên như xem kích thước thất trái, nhĩ trái, mô tả cấu trúc lá van 2 lá, cơ chế hở van và có tiền sử thấp tim hay không, chứ không đơn thuần chỉ dựa vào số 1/4 hay 2/4. Nếu hở van 2 lá do nguyên nhân hậu thấp thì cần điều trị kháng sinh phòng thấp, nếu do huyết áp cao hay bệnh mạch vành hay bệnh lý cơ tim thì cần điều trị các nguyên nhân trên. Nếu tất cả đều không có nguyên nhân gì, hở van 2 lá sinh lý thì không cần dùng thuốc.
Xin chào bác sỹ.
Em đang mang thai 30 tuần, chiều dài kênh cổ tử cung là 26mm. Bụng em thi thoảng bị gò nhưng khi đo tại BV thì kết quả bình thường. Bác sỹ có cho em đặt thêm thuốc cyclogest 200mg ngày đặt 2 lần. Bác sỹ cho em hỏi, em có nguy cơ sinh non cao không ạ? Và hiện giờ dùng thuốc như vậy có được chưa? Có cần dùng thêm biện pháp nào không? Và em nên làm gì để tốt nhất ạ?
Chào bạn,
Một trong những phương tiện tầm soát nguy sơ sinh non là siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung, nếu <25mm có nguy cơ dọa sinh non. Tuy nhiên, để chẩn đoán nguy cơ sinh non còn tùy thuộc vào tiền sử sản phụ khoa trước đó, đồng thời dựa vào sự thay đổi chiều dài kênh cổ tử cung qua các lần đo kết hợp hình dạng cổ tử cung. Từ đó, bác sĩ sẽ có quyết định điều trị phù hợp.
Hiện có 3 phương pháp điều trị dự phòng dọa sinh non thường dùng như thuốc progesteron đặt âm đạo, vòng nâng cổ tử cung, khâu vòng cổ tử cung. Trường hợp của bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa sản để bác sĩ trực tiếp thăm khám, tư vấn cụ thể và điều trị thích hợp cho bạn nhé. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn!