Ngày 29/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Điều 22 dự thảo luật quy định, trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm hoặc để được bồi thường, trả tiền thì doanh nghiệp có quyền hủy bỏ hợp đồng.
Doanh nghiệp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua sau khi trừ đi các chi phí hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng. Bên mua phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp nếu có.
Trường hợp doanh nghiệp cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý (thường trực Ủy ban Xã hội) cho rằng, quy định như trên là tạo ưu thế cho doanh nghiệp bảo hiểm mà không đề cao trách nhiệm bảo đảm thông tin khách hàng nhận được là đầy đủ và chính xác. Hơn nữa, việc cho phép hủy bỏ hợp đồng sẽ khiến người mua không yên tâm, không khuyến khích việc tham gia bảo hiểm.
"Tôi đề nghị cân nhắc quy định theo hướng các bên có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Bên có lỗi sẽ phải bồi thường, thay vì một bên có quyền hủy bỏ ngay hợp đồng", ông Quý nói.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội. Ảnh: Media Quochoi
Chung ý kiến, đại biểu Trần Văn Tuấn (phó đoàn Bắc Giang) cho rằng khi xảy ra trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, người mua bảo hiểm không có quyền đòi lại, hoặc đòi được rất ít khoản phí bảo hiểm đã đóng, sẽ gây bức xúc, thậm chí họ cho rằng bị doanh nghiệp bảo hiểm lừa, từ đó dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
Do đó, ngoài 9 nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm như bên mua, doanh nghiệp bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng, số tiền..., cần bổ sung thêm một nội dung bắt buộc là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
Việc này theo ông Tuấn nhằm tăng trách nhiệm thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người mua khi giao kết hợp đồng, tránh việc cố tình không cung cấp thông tin hoặc thông tin mập mờ. Tránh làm cho người mua bảo hiểm khi ký hợp đồng thì háo hức, tin tưởng nhưng khi không có khả năng theo đuổi việc đóng phí đầy đủ, bị chấm dứt hợp đồng mới biết mình không có quyền được đòi lại phí đã đóng hoặc khoản phí được hoàn trả không được như mong muốn.
Phó Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên thì cho rằng, dự thảo luật cần có nội dung về hậu kiểm, thanh tra thị trường để đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm. Trong đó, cơ quan quản lý phải kiểm soát chất lượng tư vấn, có hình thức xử phạt hành vi vi phạm đạo đức, lừa đảo trong lĩnh vực bảo hiểm.
Nữ đại biểu cũng bày tỏ lo ngại cho người mua khi hợp đồng có nhiều điều khoản, nội dung phức tạp, có lợi cho bên bán bảo hiểm. Rắc rối về pháp lý, tranh cãi thường xảy ra do quá trình tư vấn không rõ ràng. Để tăng tính hấp dẫn, đại lý bảo hiểm thường giải thích cho bên mua giá trị tích lũy ở mức cao nhất có thể, trong khi mức chắc chắn nhận được thực tế sẽ thấp hơn.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban công tác đại biểu phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Media Quochoi
Do đó, ngoài thông tin cần thiết trong hợp đồng, bà Yên đề nghị đơn vị bán bảo hiểm cung cấp khuyến cáo để người mua hiểu rõ những rủi ro của sản phẩm bảo hiểm. Luật cần quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của bên bán, cần có tổng đài hỏi đáp để người dân hỏi thông tin và đối chứng.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hủy bỏ hợp đồng thì phải phù hợp với Luật Dân sự. Khi người mua đơn phương chấm dứt hợp đồng, công ty bảo hiểm khấu trừ chi phí quản lý, nhưng mức như thế nào thì cơ quan soạn thảo sẽ làm rõ thêm thuật ngữ này.
"Khi người dân không thỏa mãn có quyền khiếu nại hay khởi kiện ra tòa", ông Phớc nói và cho biết, Luật bảo vệ người tham gia bảo hiểm nhưng cũng phải bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo tính công bằng, khách quan. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục cùng với Ủy ban Kinh tế nghiên cứu vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
Dự thảo luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3, khai mạc tháng 5.
Sơn Hà - Hoàng Thùy