Thứ tư, 20/2/2019, 20:00 (GMT+7)

Sự thận trọng của Triều Tiên trong cuộc họp Trump - Kim tại Singapore

Phái đoàn Triều Tiên đưa ra những yêu cầu tỉ mỉ nhất cho hội nghị và chú ý đến cả chiếc bút Kim Jong-un dùng để ký văn kiện.

Tổng thống Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: Reuters. 

Tổng thống Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: Reuters

Giống như nói chuyện với "người ngoài hành tinh", đó là cách các quan chức Mỹ mô tả cuộc đàm phán với đối tác Triều Tiên để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un ở Singapore tháng 6/2018.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một lãnh đạo Triều Tiên, và người Triều Tiên chưa bao giờ tham gia vào sự kiện nào như vậy. Họ không quen với cách hàng nghìn phóng viên quốc tế tới đưa tin và đặc biệt lo ngại về nguy cơ gián điệp cũng như các âm mưu ám sát nhằm vào lãnh đạo, theo AP.

Trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã họp với nhau cả ngày tại Singapore để thống nhất về tài liệu sau này trở thành tuyên bố chung mà hai lãnh đạo ký kết ngày 12/6/2018. Phái đoàn Mỹ muốn cho một phóng viên ảnh vào chụp hình tại cuộc họp, nhưng phía Triều Tiên phản đối.

"Làm sao chúng tôi biết được rằng cô ấy không phải là gián điệp?", các quan chức Triều Tiên nói. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã đồng ý cho phóng viên ảnh tác nghiệp, theo một quan chức am hiểu cuộc họp.

Phái đoàn Triều Tiên từng đưa ra những lo ngại tương tự trong các cuộc họp trước đó. Họ sợ rằng máy ảnh của các phóng viên thực chất là vũ khí trá hình. Từ các cuộc thảo luận về hậu cần đầu tiên, các quan chức Mỹ đã nhận thấy khoảng cách lòng tin về an ninh giữa hai bên là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc đưa hai lãnh đạo vào cùng một căn phòng.

Bất kể người nào Nhà Trắng muốn đưa phòng họp, Triều Tiên đều muốn biết làm thế nào họ có thể chắc chắn người đó không phải là gián điệp và không có ý định làm hại ông Kim.

Các quan chức Mỹ ghi nhận đóng góp của chính phủ Singapore trong việc thu hẹp khoảng cách về lòng tin này. Các chốt kiểm soát an ninh được nhân viên an ninh Mỹ, Triều Tiên và Singapore tuần tra cùng nhau. Một số nhà báo phải trải qua ba quy trình kiểm tra an ninh riêng biệt của ba nước. Mỹ cũng đồng ý giảm số lượng quan chức chính phủ được phép vào nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh để tương đồng với phái đoàn nhỏ hơn nhiều của Triều Tiên.

Vì vậy, chỉ có các nhà đàm phán cao cấp nhất của Mỹ có mặt tại khách sạn Capella, nơi Trump - Kim gặp nhau. Nhiều chuyên gia phải ở lại khách sạn Shangri-la, cách đó 20 phút lái xe, để theo dõi cuộc họp qua truyền hình và các bản cập nhật qua email.

Kim Jong-un dùng bút do em gái đưa để ký văn kiện 
 
 

Kim Jong-un dùng bút do em gái đưa để ký văn kiện ngày 12/6/2018. Video: Reuters.

Tại lễ ký tuyên bố chung vào chiều 12/6, một người Triều Tiên đeo găng tay kiểm tra ghế của Kim Jong-un và chiếc bút màu đen có chữ ký của Trump mà Mỹ chuẩn bị sẵn để Kim Jong-un sử dụng. Tuy nhiên, vào phút cuối, Kim Yo-jong, em gái của ông Kim, đưa cho anh mình một cây bút khác. Cây bút không được dùng đến của Mỹ sau đó được một nhân viên Nhà Trắng thu lại.

Các quan chức Mỹ cho biết Triều Tiên muốn đảm bảo họ không bị thể hiện là bên yếu thế trong cuộc đàm phán. Trong logo chính thức của hội nghị, tên nước Triều Tiên được viết trước Mỹ. Nhà Trắng cũng đồng ý hạn chế số lượng nhà báo được phép đưa tin để tương đồng với số phóng viên tháp tùng của truyền thông nhà nước Triều Tiên.

Tuy nhiên, Trump vẫn giữ thế chủ động trong cuộc gặp. Ông đã vỗ lưng ông Kim khi hai người đi bộ trong khách sạn và ra hiệu cho các phóng viên ra khỏi phòng để họ họp riêng.

Phương Vũ

 

Chia sẻ bài viết qua email