From: mai hoa
Sent: Thursday, August 05, 2010 3:00 PM
Khi đọc bài này, tôi muốn viết đôi dòng về những tâm sự của anh. Đó là thực tế tôi đã trải qua. Năm tôi 27 tuổi, tôi có một cuộc hôn nhân đầu tiên, tôi vốn rất dễ tính trong khi chồng tôi là người cẩn thận và chu đáo. Tuy nhiên trải qua cuộc hôn nhân kéo dài 3 năm, kết thúc bằng việc tôi không chịu nổi và tự chia tay.
Lý do chính là việc không hiểu nhau, và tôi cũng có những thái độ y như vợ anh Đức bây giờ. Tôi cũng không hiểu nổi bản thân mình tại sao như vậy, tra hỏi, hoạnh họe đủ điều, không thể tin tưởng và cái cảm giác khó chịu không thể giải quyết được.
Sau đó tôi lấy chồng thứ hai, cho đến bây giờ, tôi không bao giờ có lại cái cảm giác như thế, không hề ghen tuông, không hề có thái độ như vậy và vợ chồng tôi rất hạnh phúc (chứ không phải không ghen nghĩa là không yêu).
Đến lúc này tôi nhận ra là ghen tuông thì ai cũng có, nhưng chính thái độ của người ta yêu là lý do khiến bản thân ta có dễ nổi cái máu ghen lên hay không.
Tôi lấy thực tế ra để so sánh cho anh thấy:
Ví dụ thứ nhất:
A/ Chồng thứ nhất quan tâm tôi rất chu đáo nhiệt tình (điều này khiến tôi hạnh phúc và quen với thái độ yêu chiều đó), nhưng với tính cách nhiệt tình đó, anh cũng quan tâm nhiệt tình tới cô khác. Điều đó khiến tôi khó chịu, cảm giác mình như những người khác, không hơn.
B/ Chồng thứ hai vẫn quan tâm nhưng rất chừng mực, đã nói là làm chứ không hứa nhăng cuội như chồng thứ nhất. Có thể ga lăng với cô gái khác nhưng không quá nhiệt tình.
Ví dụ thứ hai:
A/ Chồng thứ nhất hay nói dối, có thể những việc đơn giản như đến nhà cô bạn gái (không có việc lăng nhăng) nhưng sợ vợ ghen nên nói dối. Hậu quả là khi bị tôi phát hiện, tôi sẽ nghĩ là anh ta có vấn đề gì nên mới nói dối. Tôi mất dần sự tin tưởng, dẫn đến đi đâu làm gì tôi cũng sẽ tra hỏi, và tất cả mọi lời nói của anh ta sẽ không còn đáng tin nữa.
B/ Chồng thứ hai đến nhà cô bạn gái thì sẽ nói là đến nhà cô bạn gái, vì thế tôi chả có lý do gì để mà ghen cả.
Ví dụ thứ ba:
A/ Khi xảy ra cãi vã, chồng thứ nhất không cần biết ai đúng ai sai, sẽ nịnh nọt để cho qua chuyện. Kết quả là những vấn đề trong tôi sẽ không được giải quyết mà cuối cùng tôi lúc nào cũng thấy như thể mình sai.
B/ Chồng tôi và tôi sẽ cãi nhau cho đến khi ai đúng ai sai (tất nhiên trong lịch sự), như vậy mọi khúc mắc trong lòng tôi được giải quyết, nếu tôi sai, tôi cũng tâm phục khẩu phục.
Chồng thứ hai của tôi cũng từng say nắng, nhưng chính thái độ nhận lỗi và chân thành khiến cho đến giờ tôi cũng không bao giờ nghĩ hay nhắc tới chuyện đó, cũng không có chuyện tra hỏi đi đâu hay kiểm tra làm gì. Thật khó tin phải không, trong khi trong mắt người chồng thứ nhất, tôi là một kẻ ghen tuông kỳ quặc. Đơn giản là người chồng thứ hai khiến tôi không thể nghi ngờ.
Tôi đưa ra ba ví dụ trên chỉ để muốn nói rằng, rất có thể chính anh đã khiến vợ anh trở nên như vậy. Chính thái độ tránh né vấn đề của anh khiến cho vợ như muốn phát điên lên. Vấn đề anh muốn vợ thay đổi thì chính anh phải thay đổi, anh phải lấy lại được lòng tin từ vợ anh.
Không phải cặp vợ chồng nào cũng hợp nhau, người ta nói có hợp nhau thì mới tát nổi biển Đông kia mà. Có những cặp vợ chồng thường xuyên cãi vã mà vẫn yêu nhau, còn có cặp thì lúc nào cũng lịch sự với nhau mà tình yêu đã nguội tắt. Muốn hợp nhau, cả anh và chị đều phải tỏ ra hợp tác, bắt đầu từ anh, hãy hiểu thấu đáo nguồn gốc vấn đề gây nên tâm lý ghen tuông của vợ mình.
Chúc anh chị hạnh phúc!