Theo bác sĩ Nghiệm, năm nay mùa mưa đến sớm. Những cơn mưa lại kéo dài, đều đặn và liên tục, chính là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi phát triển. "Bên cạnh đó, yếu tố môi trường vốn chưa được giải quyết dứt điểm, căn cơ, cũng góp phần gây nên sự gia tăng của dịch bệnh", ông Nghiệm nói.
Bãi cỏ và nước đọng cạnh nhà dân tại đường Bông Sao, quận 8. |
Báo cáo của Sở Y tế TP HCM cho thấy, đầu tháng 6 số ca mắc bệnh chỉ xấp xỉ 110 thì vài ngày đầu tháng 7, số bệnh nhân nhập viện đã gần gấp đôi. Nếu chỉ xét riêng tuần qua, số ca sốt xuất huyết đã cao hơn cùng kỳ năm trước 47 trường hợp.
Bác sĩ Nghiệm cho biết, nếu Sở Y tế không lường trước yếu tố thời tiết bất thường và tình hình môi trường để kịp thời triển khai công tác phòng bệnh từ đầu tháng 6, thì số bệnh nhân sốt xuất huyết chắc chắn không dừng lại ở 196 ca như tuần qua.
Cũng theo ông Nghiệm, trong công tác phòng chống sốt xuất huyết, nhà nước chỉ can thiệp chuyên môn chứ không thể giám sát hết mọi lúc mọi nơi. Do đó ý thức hợp tác của từng hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... là hết sức quan trọng.
"Sẽ không có gì hiệu quả bằng việc người dân tự giữ gìn môi trường, thường xuyên súc rửa lu vại, diệt lăng quăng bằng cách nuôi cá, không để nước tồn đọng trong các vật chứa xung quanh nhà...", bác sĩ Nghiệm nói.
Ghi nhận của VnExpress tại nhiều quận huyện trong thành phố, ý thức của người dân trong việc phòng bệnh vẫn chưa cao.
Tại hẻm số 147, 153 thuộc khu phố 6, đường Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8, hơn 20 hộ dân sống chung với một bãi đất hoang, cỏ mọc cao hơn đầu người. Xung quanh đó, nước mưa đọng thành vũng và nhiều vật dụng phế thải chứa đầy nước đọng.
Bãi cỏ hoang tại hẻm 153 Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8. Ảnh: T.C. |
Con của chủ đất cho biết, mảnh đất nằm trong diện quy hoạch, không thể xây cất nên bỏ mặc cho cỏ mọc từ nhiều năm nay. Còn theo phản ánh của một số người dân sống quanh khu vực này, do cây cối dày đặc nên muỗi rất nhiều và cách chống duy nhất của họ là dùng thuốc diệt muỗi trong nhà.
Cách hẻm 147 vài trăm mét, các gia đình ở trên đường Bông Sao, khu phố 3, phường 5, quận 8, cũng cùng chung số phận ao tù nước đọng, cỏ mọc um tùm. Nhiều người dân phản ánh muỗi rất nhiều ngay cả ban ngày. Y tế dự phòng có đến xịt hóa chất diệt nhưng muỗi chỉ giảm được một nhưng ngay hôm sau thì tình hình vẫn như cũ.
Nhiều địa bàn khác tại quận 8 vốn tập trung nhiều dân nhập cư lại sống gần kênh rạch như phường 6, phường 7, ý thức người dân trong việc phòng chống sốt xuất huyết vẫn còn kém. Theo một trưởng khu phố, việc phát động phong trào phòng chống dịch qua loa phát thanh được thực hiện hàng ngày, nhưng dường như không được người dân quan tâm.
Tại quận Bình Thạnh, khu vực dân cư ven kênh Rạch Lăng, phường 12, 13, cây lục bình thường xuyên ứ đọng từng đám dưới sông là nơi ẩn náu vô số lăng quăng. Nhiều vật dụng phế thải chứa nước vẫn bị vất bừa bãi xung quanh nhà dân.
Một số quận ven như Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, quận 7, Hóc Môn, ngoài yếu tố môi trường thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết phát triển thì ý thức phòng bệnh của người dân vẫn còn hạn chế. Cảnh trẻ em ngủ ngày không mắc mùng, cảnh lu vại chưa được che đậy cẩn thận vẫn nhan nhản.
Chiều 3/7, Sở Y tế TP HCM và Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã khảo sát tình hình phòng chống sốt xuất huyết tại quận Bình Tân và ghi nhận nhiều cán bộ y tế các phường còn chưa hiểu đầy đủ kiến thức phòng chống dịch bệnh. Việc tập huấn sốt xuất huyết cho cán bộ y tế dự phòng tuyến phường và tổ dân phố tại địa phương còn nhiều hạn chế về số lượng, thiếu kiến thức chuyên môn. Về phía địa phương, nhiều cán bộ y tế dự phòng phường cho biết còn gặp nhiều trở ngại trong việc tìm địa chỉ người mắc bệnh sốt xuất huyết để dập mầm bệnh vì đa số họ là dân nhập cư. Từ đầu năm đến nay, quận này có 127 ca mắc sốt xuất huyết. Sở Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ kiểm tra tình hình phòng chống sốt xuất huyết tại TP HCM trong vài ngày tới. |
Thiên Chương