Đây là kết quả quan trắc nước sông Sài Gòn trong năm 2007 được Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM công bố ngày 27/12 tại hội thảo về bảo vệ môi trường nước sông Sài Gòn.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố, axit hóa trên sông Sài Gòn đang gây bất lợi cho việc cung cấp nước sinh hoạt, thủy lợi và thủy sản trong vùng. Chỉ tiêu DO và nồng độ ô nhiễm hữu cơ đo tại các trạm trên sông Sài Gòn luôn thấp, chưa bao giờ đạt tiêu chuẩn nguồn cấp nước theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Đặc biệt, ô nhiễm vi sinh trở nên báo động đối với chất lượng nước sông Sài Gòn. Quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM cho thấy, Coliform tại tất cả trạm trên sông đều vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam từ 17 đến 220 lần. Từ kết quả quan trắc này, Chi cục Bảo vệ môi trường kết luận, chất lượng nước trên sông Sài Gòn ngày càng xấu, nhất là phía hạ lưu.
![]() |
Sông Sài Gòn cần được cứu hộ để tránh tình trạng ô nhiễm. Ảnh: Kiên Cường |
Nhiều nhà khoa học khác về môi trường tại TP HCM trong năm cũng đã tiến hành các nghiên cứu về ô nhiễm sông Sài Gòn, đều đi đến kết luận tương tự.
Viện trưởng Nước và công nghệ môi trường Lâm Minh Triết nhận xét, ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn đang gia tăng chóng mặt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Thậm chí, ông Triết còn hình dung tương lai của sông Sài Gòn có thể là "dòng sông chết" khi ô nhiễm đến mức trầm trọng nếu không được các cơ quan chức năng chú trọng xử lý ngay bây giờ.
Theo nghiên cứu của Viện Nước và công nghệ môi trường, từ năm 2005 đến nay, độ đục của nước sông Sài Gòn đã tăng gấp 5 lần. Lượng NH3 và coliform vượt đến hàng chục lần trong vòng ba năm. Hàm lượng Mangan (Mn) cũng tăng từ 0,09-0,11 mg/l năm 2005 lên 0,15-0,45 mg/l trong năm nay, trong khi tiêu chuẩn nước đầu vào 0,1 mg/l.
"Thành phố đã, đang và sẽ trả giá đắt không những về tiền bạc mà còn về mặt xã hội, nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra", ông Triết nhấn mạnh. Theo ông Triết, nguyên nhân sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm là do tình trạng xả thải tự do nước sinh hoạt từ khu dân cư cũng như nước thải công nghiệp, nuôi trồng thủy sản... ra sông.
Điều khiến các nhà khoa học lo ngại là hiện nay hầu hết nhà máy nước của thành phố đều lấy nguồn từ sông Sài Gòn. Nước sông không đảm bảo tiêu chuẩn, cũng đồng nghĩa nước sạch cho người dân thành phố đang bị đe dọa.
Ông Bùi Thanh Giang, Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp, khẳng định từ năm 2004 đến nay chất lượng nguồn nước sông suy giảm rất nhanh qua từng năm, đặc biệt Amoniac tăng rất cao, tình trạng ô nhiễm xảy ra hằng ngày. "Nhà máy sẽ không có khả năng xử lý nếu có chất độc hại xuất hiện trong nước sông”, ông Giang thừa nhận.
Tổng công ty cấp nước Sài Gòn dự kiến đầu tư bổ sung trang thiết bị châm hóa chất, nghiên cứu thay đổi vật liệu lọc, hóa chất để chủ động xử lý khi nguồn nước suy giảm. Về lâu dài, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn sẽ kết hợp các chuyên gia trong và ngoài nước tìm biện pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn.
Kiên Cường