Đầu tư một mảnh đất ở ngoại ô để chờ giá tăng nhưng đúng thời điểm thị trường khủng hoảng, giá rớt thảm hại, anh Hải xót của, nhất định không chịu bán quá thấp. Sau một thời gian suy ngẫm, giữa năm 2011 anh quyết định chia nhỏ lô đất rồi xây nhà để bán.
Lúc đó, bao nhiêu doanh nghiệp bất động sản còn đang sống dở chết dở nên rất nhiều người can ngăn anh đừng "đi vào ngõ cụt". Tuy nhiên, anh vẫn quyết làm.
Xuất thân là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp nên anh Hải hiểu những bức thiết về nhà ở. Tuy nhiên, anh Hải xác định nhóm khách hàng mục tiêu của mình là những người có thu nhập thấp và trung bình vì số này rất lớn nhưng thị trường lại khó đáp ứng được nhu cầu của họ. Họ là những người trẻ tốt nghiệp đại học, công nhân lập nghiệp tại thành phố.
Với suy nghĩ ấy, anh Hải tự thiết kế, mua vật liệu, đứng ra tổ chức xây dựng. Chỉ trong vòng mấy tháng, gần chục căn nhà 2 tầng đã được hoàn tất. Tuy nhiên, việc bán hàng thời gian đầu còn gặp rất nhiều khó khăn vì doanh nghiệp chưa có chiến lược quảng cáo sản phẩm. Bên cạnh đó, khách hàng còn nặng tâm lý thích ở khu vực trung tâm hoặc có người thì không tin ở Hà Nội lại có loại nhà đất được xây 2 tầng, 40-50m2 mà chỉ tầm 500 triệu.
Sau này, anh phải dùng đến biện pháp phát tờ rơi, nhờ loa phóng thanh phường quảng cáo sản phẩm... Nhờ đó, một số khách hàng đã đến với Nhà Bình Dân và những căn hộ đầu tiên đã được giao dịch. Vì căn hộ chủ yếu bán cho những người có thu nhập trung bình, có nhu cầu ở thật nên anh Hải cho biết, giao dịch được mỗi căn không phải dễ dàng.
“Không ít khách hàng, bên cạnh tư vấn qua điện thoại, gặp trực tiếp, chúng tôi còn phải gửi đến 130 email để giải đáp những thắc mắc của họ”, anh Hải nhớ lại.
Một thời gian ngắn sau đó, toàn bộ số căn hộ được bán hết. Chủ một lô đất bên cạnh thấy cách làm của anh khá hay nên “gạ” anh mua lại tài sản của họ. Thấy anh lưỡng lự, nhà đầu tư này mời anh hợp tác. Họ đầu tư đất, cho anh xây dựng rồi lợi nhuận chia nhau. Sau những thành công ở dự án đầu tiên, anh đồng ý mạo hiểm thêm một lần nữa và nhanh chóng thu hồi vốn sau vài tháng, với lợi nhuận ròng khoảng 10-15% vốn.
Trước đó, anh Hải thành lập một công ty về tư vấn đầu tư. Tuy nhiên, công việc kinh doanh không thực sự hiệu quả, nên anh quyết định chuyển lĩnh vực sang bất động sản và đổi tên thành Nhà Bình Dân.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ, thêm mấy năm du học Pháp, về nước, anh Hải làm nhân viên kinh doanh rồi lần lượt là lãnh đạo, thậm chí phó tổng một số doanh nghiệp về xây dựng. Anh cũng có không ít kinh nghiệm trong quản lý, điều hành lĩnh vực này. Có thời điểm, khi làm lãnh đạo một doanh nghiệp khá quy mô, mỗi ngày anh phải nghe điện thoại đòi nợ của đối tác tới vài tiếng đồng hồ.
"Tuy đó là khoản nợ của công ty chứ không phải cá nhân nhưng nó giúp mình ghi nhớ một điều rất quan trọng khi ra lập công ty riêng là phải chủ động về tài chính", anh Hải nói.
Chính vì thế, khi “nhảy” sang lĩnh vực bất động sản, để có vốn triển khai dự án, anh Hải không vay từ ngân hàng mà chủ yếu là vốn tự có. Sau này, người thân, bạn bè có mong muốn hợp tác đầu tư thì anh nhận, khi kết thúc dự án thì phân chia lợi nhuận. Ông chủ trẻ chia sẻ, việc đi vay vốn ngân hàng sẽ khiến chi phí tài chính đội lên, không giảm được giá thành sản phẩm. Hơn nữa, khi căn hộ được xây xong lại chịu sức ép bán hàng nhanh để trả. Do đó, anh quyết không mạo hiểm.
"Trước mắt tôi muốn khẳng định một mô hình, chiến lược tốt đã, sau đó mới mở rộng, tăng quy mô bằng các chiến lược hợp tác", anh Hải nói. Từ năm 2011 đến nay, anh Hải đã đầu tư hàng chục dự án, mỗi nơi quy mô từ vài đến vài chục căn. Tới đây, anh dự định tiếp tục triển khai một số dự án tại khu vực Sóc Sơn, Nội Bài để hướng tới các đối tượng khách hàng làm việc quanh khu công nghiệp, mức giá có thể rẻ hơn.
Anh cho biết, dự kiến kết thúc năm nay, Nhà Bình Dân có thể bán được 100 căn. Năm ngoái, con số này là 50 căn. Từ đó đến nay, anh tăng dần quy mô và số lượng dự án khi thấy giao dịch trên thị trường khả quan hơn.
Về dài hạn, Giám đốc Nhà Bình Dân cũng cho biết, hiện một số doanh nghiệp đang đầu tư phân khúc nhà giá rẻ trong khu vực miền Trung, Nam cũng đặt vấn đề liên kết hợp tác.
Không cần thiết phải đao to búa lớn, huy động nhiều vốn hay lên sàn chứng khoán, anh Hải cho biết mỗi ngày vẫn có thể kê cao gối lên ngủ, không lo nợ ngân hàng, trong khi nhiều ông lớn bất động sản đang điêu đứng.
"Khi chưa thu xếp được tiền thì nên mời chủ đất hợp tác đầu tư rồi chia sẻ lợi nhuận. Các lô đất ở ngoại thành thường có diện tích lớn, thanh khoản chậm hơn nên người sẵn sàng hợp tác", Giám đốc Nhà Bình Dân chia sẻ.
Tuy nhiên, ông chủ trẻ cũng nhấn mạnh, việc đầu tư của anh chẳng khác nào như nhặt bạc lẻ, phải mua sắm, tính toán rất chi li, cặn kẽ mới có thể giảm giá thành sản phẩm và tiết giảm chi phí.
Ngọc Tuyên