Phản ánh của người dân, cán bộ địa phương đã buộc Sở Y tế và Trung tâm y tế Dự phòng TP HCM tức tốc thực hiện cuộc khảo sát thực tế trong chiều nay.
Danh sách những người tử vong vì ung thư do chính quyền địa phương tự thu thập. Ảnh: Thiên Chương. |
Tại khu phố 16, nơi được dư luận phản ánh có đến 5 người cạnh nhà nhau chết vì ung thư, đoàn đã lấy lời kể của 4 gia đình và ghi nhận đúng 5 trường hợp đã tử vong vì u thư gồm: Ông Dương Văn Cơn mất năm 1984 do ung thư phổi, bà Tô Thị Nở - vợ ông Cơn tử vong vì khối u não năm 2002.
Các trường hợp còn lại là bà Lý Thị Út 69 tuổi, mất năm 2000 do u não; ông Dương Công Mỹ, 50 tuổi ung thư gan, phổi, mất năm 2007 và ông Nguyễn Văn Lợi, 64 tuổi tử vong cách đây 3 tháng do ung thư dạ dày.
Những gia đình trên tuy không ở sát vách nhau nhưng chỉ nằm gọn trong diện tích có đường kính chưa đầy 1 km. Hầu hết các hộ đều sử dụng nước sinh hoạt lấy từ giếng khoan. Các giếng này chưa từng được kiểm nghiệm để đánh giá độ nhiễm bẩn.
Theo lời kể của các gia đình có người tử vong, bệnh nhân thường phát bệnh trong thời gian không lâu rồi qua đời. Trước đó họ không mắc bệnh gì, cũng không ai thường xuyên nhậu nhẹt hay hút thuốc.
Điều đặc biệt những người khác trong gia đình họ vẫn khỏe mạnh. Nhiều người còn thọ hơn tuổi 80.
Đoàn khảo sát thăm hỏi các gia đình có người bị chết vì ung thư. |
Theo người dân, họ nghi ngờ việc nhiều người chết vì ung thư là tác động của môi trường bởi khu vực này cách nghĩa trang Bình Hưng Hòa, nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa, bãi rác Gò Cát (vừa đóng cửa năm 2007) và các con kênh đen ô nhiễm chưa đầy 2 km.
Bên cạnh đó các hộ dân cũng phản ánh tình trạng không khí bị bị ô nhiễm rất nặng do lượng khí thải tỏa ra từ nhiều cơ sở sản xuất đồng, sắt phế liệu và tái chế nhựa. Tại thời điểm khảo sát, đoàn y tế cũng ngửi thấy mùi hóa chất tỏa ra nồng nặc.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch phường Bình Hưng Hòa A thừa nhận, từ 10 năm trước, địa phương là nơi tập trung rất nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Mãi đến năm 2006, khi cử tri đồng loạt lên tiếng, chính quyền mới tổ chức di dời được một số hộ.
Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng Khoa Sức khỏe cộng đồng Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết, nghi ngờ của người dân không phải là không có lý, bởi khí thải, nước thải từ quy trình tái chế kim loại nặng và nhựa là rất độc hại. "Chất độc này không gây tác động cấp tính nhưng sẽ tích lũy từ từ", bà Ngân nói.
Còn theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng Phòng nghiệp vụ y Sở Y tế, buổi khảo sát đầu tiên chưa thể kết luận việc người dân chết vì ung thư có liên quan đến môi trường hay không.
"Tất cả mọi kết luận phải chờ đến kết quả xét nghiệm nước của Trung tâm y tế dự phòng; khảo sát đo độ nhiễm độc trong không khí của Sở Tài nguyên Môi trường và cả công tác xác minh rõ nguyên nhân dẫn đến những ca tử vong tại các bệnh viện nơi họ đã điều trị, đồng thời tìm mối liên hệ của các ca mắc", bác sĩ Nghiệm nói.
Cán bộ y tế dự phòng lấy mẫu nước sinh hoạt để xét nghiệm. Ảnh: T.C. |
Công việc khảo sát, theo ông Nghiệm, sẽ còn kéo dài trong vài tuần tới. Riêng kết quả xét nghiệm nguồn nước sẽ có trong tuần sau.
Thiên Chương