Buổi chiều một ngày giáp Tết, tôi đặt một cuốc xe công nghệ đi công việc. Tài xế đón tôi là một cậu thanh niên còn khá trẻ. Cũng như mọi chuyến xe khác, tôi chủ động bắt chuyện với tài xế vì không muốn mỗi chuyến đi mà không có sự giao tiếp.
Thấy các cửa hàng trang trí, dán hoa mai, câu đối, tôi hỏi cậu tài xế chừng nào về quê. Cứ tưởng câu trả lời đại loại sẽ là cố gắng chạy đến đêm 30 Tết, rồi sáng mùng một về sớm, vì nhà cậu cũng chỉ cách thành phố chừng 160 km.
Nhưng sau khi nghe cậu ấy nói năm nay kinh tế khó khăn, định không về, vì năm qua không dành dụm được bao nhiêu tiền. Cậu định gửi về cho cha mẹ vài triệu đồng ăn Tết, thay vì lấy tiền đó về quê.
Nhưng tôi đã khuyên rằng, có 160 km thì nên về, nhiều người chạy xe máy tận 200 km chỉ để sum họp gia đình. Vả lại, trong khi nhiều người quê ở xa hơn, tận miền Trung chẳng hạn, đường sá xa xôi không thể đi xe máy, phải mua vé máy bay đắt đỏ, hay canh mua vé xe khách thì sao?
Hai năm trước, một rapper nổi tiếng đã tạo những luồng dư luận khác nhau, chỉ vì tựa đề: "Mang tiền về cho mẹ", lúc ấy tôi đã có bài viết Tết mang tiền cho mẹ '50 nghìn như 50 triệu'.
Khi đó, một số người bảo làm sao mà giống nhau được? Đúng là về phương diện vật chất, 50 nghìn quá nhỏ bé trước 50 triệu. Nhưng về phương diện tình cảm thì có bà mẹ nào lại chê bai tiền con đem về cuối năm là ít?
Không ai khác, chính bà mẹ ấy lại rất mong mỏi gặp lại đứa con của mình sau một năm dài làm ăn ở phương xa.
Mấy hôm nay, tôi lại đọc được những bài viết nói người trẻ mặc cảm, sợ Tết vì không có tiền, chưa có thành tựu sau một năm làm việc.
Tôi nghĩ, với những người thân ruột rà, sao phải cứ lấy vật chất làm thước đo tình cảm như thế?
Vũ Quân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.