Những lúc rỗi, Mạnh thường ôm ghi ta hát những bản tình ca. Ảnh: Đ.T. |
Những ngày này, hầu như hôm nào Mạnh cũng chạy đôn chạy đáo khắp nơi để chuẩn bị cho festival " Trái tim nhân ái Việt Nam", chương trình do Viện Huyết học - truyền máu Trung ương tổ chức nhằm tôn vinh những người hiến máu tình nguyện. 10 giờ đêm, anh mới về đến nhà trong cơn mưa. "Công việc bận rộn mà niềm vui thì vô tận", Mạnh cười để lộ chiếc răng khểnh.
Mạnh tâm sự, có thể, ai đó sẽ chế giễu khi biết gia đình ở nông thôn có tới 7 anh chị em, bố mẹ đều ngoài 70 mà anh vẫn còn "lăng xăng" đi làm tình nguyện viên cho chương trình hiến máu nhân đạo: "Nhưng mình vẫn tốt nghiệp loại khá, thời sinh viên vẫn làm thêm để tự trang trải các chi phí trong khi hoạt động tình nguyện ác chiến suốt 5 năm, vậy thì chuyện vác tù và hàng tổng cũng đâu đến nỗi nào!".
Chàng trai say sưa kể về việc vận động hiến máu. Niềm vui nỗi buồn của anh cũng gắn với công tác này. Có một lần, Mạnh gõ cửa nhà một chị ở ký túc xá Đại học Bách Khoa để "tuyên truyền". Chị từ chối và khăng khăng là hiến máu có hại cho sức khoẻ. Chàng sinh viên đã kiên nhẫn giải thích bằng tất cả những kiến thức sinh lý, y học nhưng chị cứ gạt đi, bảo có bạn là bác sĩ nên đã biết rõ vấn đề này. "Lần đó, mình đã phải rớt nước mắt vì bất lực" - Mạnh kể.
Còn hạnh phúc là cái lần chàng trai "đi tua" gần 50 ngôi nhà trong ngày chủ nhật và thuyết phục được... 1 người đi hiến máu. Đó là chuyện của năm 2003, khi Mạnh mới tham gia phong trào. Bây giờ, kỹ năng tuyên truyền đã cao hơn, nhưng nỗi xúc động khi có thêm một người cho máu vẫn y nguyên: "Có ngày mình ngất ngây vì thuyết phục thành công 5 người đi hiến máu. Lúc đó cũng không sao kìm được nước mắt, vì mỗi đơn vị máu có thể cứu sống một người bệnh".
Cũng có người thắc mắc, đi tuyên truyền người ta hiến máu, nhưng bản thân Mạnh hiến được bao nhiêu lần?". Cậu cho biết đã 15 lần hiến máu.
Chàng sinh viên hiến máu lần đầu tiên sau khi đi tuyên truyền thất bại. Nhiều người vẫn e sợ việc này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, và những lý lẽ, căn cứ khoa học mà tình nguyện viên đưa ra không đủ để họ thay đổi quyết định. Mạnh nghĩ, nếu bản thân mình không thực sự trải qua thì sẽ không thể nói chính xác việc cho máu như thế nào, không thể thuyết phục được ai.
Thế là Mạnh "liều thân" chìa cánh tay mảnh khảnh ra cho bác sĩ, nín thở, không phải sợ mất máu mà sợ cái kim tiêm. "Mình có một điểm yếu là sợ kim tiêm đến mức chóng mặt. Hồi nhỏ, mình thường xuyên trốn các kỳ tiêm phòng" - Mạnh thú nhận.
Và nỗi sợ hãi đã được vượt qua, nhường chỗ cho sự tự tin hoàn toàn khi nói với người khác về sự an toàn của việc hiến máu. Anh chỉ vào vệt kim mới ở ven: "Đấy, trông mình vẫn khỏe mạnh, tươi tỉnh, vẫn làm việc bình thường".
Giải thích nguyên nhân gắn bó với chương trình hiến máu nhân đạo, Vũ Đình Mạnh chỉ nói đơn giản vì việc đó đem lại cho anh niềm vui. "Trong cuộc đời ai cũng có lúc gặp rủi ro. Lúc bạn cần tiếp máu, bạn có tự hỏi ai là người hiến máu cho mình?". Với quan điểm này, Mạnh sẽ còn hiến máu rất nhiều lần nữa, và sẽ không ngừng vận động những người khác cho máu để cứu sống bao nhiêu sinh mạng.
Đặng Tuyền