Thứ tư, 24/4/2024
Thứ năm, 5/12/2019, 10:04 (GMT+7)

Sundar Pichai trở thành CEO Google và Alphabet thế nào

Nhờ đam mê và nỗ lực của bản thân, Sundar Pichai đã trở thành một trong những người đàn ông quyền lực nhất trong làng công nghệ hiện đại.

Tên đầy đủ của tân Giám đốc điều hành Alphabet là Pichai Sundararajan. Ông sinh ra và lớn lên tại Chennai, thành phố phía đông Ấn Độ. Thuở nhỏ, ông sống cùng cha - một kỹ sư điện, mẹ - người viết tốc ký và em trai Pichai Srinivasan, trong một căn hộ chỉ có hai phòng. Hai anh em ông thường ngủ ngay phòng khách. Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ ông đã phát hiện tài năng thiên bẩm của Sundar Pichai với những con số, ông có thể ghi nhớ tất cả số điện thoại từng gọi. Tới nay, CEO Alphabet và Google thi thoảng vẫn thể hiện trí nhớ siêu phàm trong các cuộc họp của công ty. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Sundar Pichai theo học tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở Kharagpur. Chương trình đầu tiên ông tự viết ra là một trò chơi đánh cờ. Thành tích xuất sắc trong thời gian học tập tại đây đã giúp ông giành được học bổng của Đại học Stanford, bang California (Mỹ). Ảnh: Times of India.

Sundar Pichai từng thừa nhận việc chuyển tới California là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. “Tôi yêu thích công nghệ và khi lớn lên, tôi luôn ấp ủ giấc mơ được tới làm việc tại Thung lũng Silicon”, Pichai nói. “Tôi đã đọc về Thung lũng Silicon, cũng như được nghe rất nhiều câu chuyện về nó từ chú của mình”. Thời điểm mới đặt chân sang Mỹ (năm 1993), Pichai đã bị bất ngờ vì mọi thứ ở đây quá đắt. Ví dụ, một chiếc ba-lô có giá 60 USD. Ngoài ra, ông cũng rất nhớ bạn gái Anjali ở quê nhà. Vài năm sau, Anjali và Sundar Pichai làm đám cưới. Hai người quen nhau tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở Kharagpur, nơi bà theo học ngành Công nghệ Hóa học. Hiện nay, ông bà đã có hai người con là Kiran (trai) và Kavya (gái). Ảnh: WSJ.

Sau khi lấy bằng Thạc sĩ khoa học của Đại học Stanford, ông Pichai tiếp tục đăng ký khóa Thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Wharton, thuộc hệ thống của Đại học Pennsylvania. Trước khi về đầu quân cho Google, Pichai đã thực tập tại tập đoàn tư vấn tài chính McKinsey&Co. Sundar Pichai tham gia phỏng vấn tại Googleplex (trụ sở Google) vào ngày 1/4/2004, cùng ngày dịch vụ thư điện tử G-mail ra mắt. Ban đầu, ông cũng như nhiều ứng viên khác, cho rằng dịch vụ e-mail miễn phí này là trò đùa của công ty trong ngày Cá tháng Tư.
Công việc đầu tiên của ông tại Google liên quan đến công cụ tìm kiếm Google Search. Năm 2006, tương lai của Google Search bị đặt dấu hỏi khi Microsoft thiết lập Bing làm công cụ tìm kiếm mặc định cho Internet Explore. Tuy nhiên, ông Pichai đã thuyết phục các nhà sản xuất máy tính cài đặt sẵn Google để giảm ảnh hưởng của thay đổi này.
Internet Explorer thất bại mở ra cơ hội lớn cho Sundar Pichai, ông thuyết phục hai nhà đồng sáng lập Alphabet, Larry Page và Sergey Brin, cho phép Google phát triển trình duyệt riêng. Tới nay, Google Chrome đã trở thành trình duyệt phổ biến nhất thế giới. Ảnh: HexByte.

Tháng 3/2013, Sundar Pichai tiếp quản bộ phận phát triển Android từ “cha đẻ” hệ điều hành này, Andy Rubin. Lý do ông Rubin rời Google được cho là có liên quan đến cáo buộc xâm hại tình dục. Android One là một trong những dự án do ông Pichai khởi xướng, nhằm giúp người dân tại các quốc gia đang phát triển tiếp cận công nghệ tiên tiến. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy doanh số smartphone giá rẻ dành cho 5 tỷ người dùng trực tuyến tiếp theo. Trước khi Sundar Pichai lên nắm quyền tại Google, Google và bộ phận phát triển Android được coi như hai công ty hoàn toàn riêng biệt. Ông chính là người đã có công gắn kết bộ phận phát triển Android với phần còn lại của công ty, qua đó giúp tăng khả năng tương thích giữa dịch vụ của Google và Android.
Sundar Pichai được cho là góp công lớn giúp Google đạt được thỏa thuận thâu tóm công ty sản xuất thiết bị nhà thông minh Nest vào năm 2014.
Ông cũng là nhân vật quan trọng đằng sau sự phát triển của Chrome OS, hệ điều hành dành cho máy tính xách tay giá rẻ. Ảnh: Meedia.de.

Trong các cuộc họp, Sundar Pichai thường đóng vai “thông dịch viên” cho nhà đồng sáng lập Larry Page do ông là người hiếm hoi thấu hiểu tầm nhìn của nhà đồng sáng lập của Alphabet và có thể giải thích ý tưởng đó cho mọi người. Thành công với Google Chrome, ứng dụng và Android đã dẫn tới bước ngặt tiếp theo vào năm 2014, khi Pichai đươc Larry Page trao quyền phụ trách hầu hết sản phẩm của công ty, gồm công cụ tìm kiếm, bản đồ, Google+, quảng cáo và cơ sở hạ tầng. Về cơ bản, Sundar Pichai đã trở thành Giám đốc điều hành thứ hai của công ty. Larry Page không giấu diếm sự tôn trọng với những cống hiến của Sundar Pichai trong bài phát biểu vào năm 2014. “Sundar có khả năng để nhìn thấy những gì sắp diễn ra và huy động các nhóm tập trung vào điều quan trọng nhất”, Page cho biết. “Tầm nhìn của chúng tôi rất giống nhau khi nói về sản phẩm. Điều đó giúp anh ấy phù hợp hoàn hảo với vai trò này”. Một năm sau bài phát biểu trên, Sundar Pichai được đề bạt lên vị trí Giám đốc điều hành của Google. Ảnh: IB Times.

Dù là một người kín đáo, Sundar Pichai sẵn sàng nói ra điều mà ông tin tưởng. Ông từng công khai chống lại quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về người nhập cư: “Đừng để nỗi sợ hãi đánh bại giá trị của chúng ta. Chúng ta phải ủng hộ các tôn giáo và cộng đồng thiểu số khác tại Mỹ, cũng như trên toàn thế giới”. Ông không sử dụng Instagram hay Twitter, nhưng thường xuyên chia sẻ trên Google+. Các bài đăng của ông chủ yếu giới thiệu các tính năng cập nhật trên trình duyệt Google Chrome. Pichai ngưỡng mộ cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, phóng viên tờ New York Times Anthony Shadid, nhà khoa học máy tính Dennis Ritchie, nhà hoạt động chính trị người Kenya Wangari Maathai, nhà khoa học máy tính John McCarthy và lập trình viên Aaron Swartz. Ảnh: NY Times.

Sundar Pichai và các con đều yêu thích môn thể thao nổi tiếng của Ấn Độ, Cricket. Ông cũng từng sang Việt Nam uống trà chanh vỉa hè với Nguyễn Hà Đông, “cha đẻ” tựa game Flappy Bird nổi tiếng. Bữa sáng ưa thích của ông là trứng omelette và trà, trong khi đọc ấn bản của Wall Street Journal.

Với tư cách người lãnh đạo, Sundar Pichai luôn được yêu quý bởi ông luôn trân trọng nhân tố mang đến hiệu quả trong công việc. Chính cách suy nghĩ “nội dung quan trọng hơn hình thức” này khiến bản thân ông cũng tự cảm thấy phải có trách nhiệm hơn. Một nhân viên công ty đã viết trên Quora: “Ông ấy thực sự được tôn thờ tại Google. Các kỹ sư, nhà quản lý sản phẩm và nhân viên kinh doanh đều tin tưởng ông”.
Tuy nhiên, bê bối liên quan đến phân biệt đối xử và dự án “Dragonfly” nhằm tạo ra công cụ tìm kiếm bị kiểm duyệt tại Trung Quốc làm giảm chỉ số tín nhiệm của ông trên trang web chia sẻ trải nghiệm về công việc Glassdoor. Ảnh: Vox.

Sundar Pichai nhận được khoản thù lao xứng đáng cho cống hiến tại Google. Vào tháng 2/2016, ông được cam kết nhượng lại số cổ phiếu của công ty trị giá 183 triệu USD, trả dần trong vòng bốn năm. Theo Bloomberg, đây là gói thanh toán lớn nhất mà Google từng trao cho một vị Giám đốc điều hành. Tháng 7/2017, ông được điền tên vào ban lãnh đạo Alphabet. “Sundar đang đóng góp tuyệt vời với tư cách là Giám đốc điều hành của Google, giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, mối quan hệ đối tác và đổi mới sản phẩm. Tôi thực sự thích làm việc với anh ấy và rất vui mừng khi anh ấy tham gia vào hội đồng quản trị Alphabet”, Larry Page nói. Ảnh: Reuters.

Ở quê nhà Ấn Độ, Sundar Pichai được coi như một người anh hùng. “Bạn đã thực hiện được những gì mọi người mơ ước”, Harsha Bhogle, người dẫn chương trình nói với Pichai trong buổi giao lưu với các sinh viên của Đại học Delhi. Ông đã có vinh dự gặp riêng Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi. Business Insider nhận xét Sundar Pichai vẫn khiêm tốn đến khó tin trong suốt chặng đường thành công. “Làm việc với những người khiến bạn cảm thấy bất an là điều tốt. Bằng cách đó, bạn sẽ liên tục phải thúc đẩy giới hạn của bản thân”. Ảnh: WSJ.

Vào tháng 12/2019, hai nhà sáng lập Larry Page và Serge Brin, tuyên bố từ chức. Sundar Pichai được đề nghị tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành Alphabet. Trong bức thư gửi tới nhân viên của công ty, bộ đôi này cho rằng Alphabet và Google “không còn cần tới hai Giám đốc điều hành và một vị Chủ tịch” nữa. Ảnh: Business Insider.

Việt Anh (theo Business Insider)