"Chúng tôi rất tiếc phải nói ra, nhưng kể từ 31/8/2020, TCL sẽ không còn bán các thiết bị di động mang thương hiệu BlackBerry", tài khoản BlackBerry Mobile viết trên Twitter.
TCL thừa nhận, khi ký kết thỏa thuận hỗ trợ công nghệ và cấp phép thương hiệu với một công ty đang đi xuống như BlackBerry vào tháng 12/2016, hãng xem đó là thử thách, nhưng đã hoàn thành "theo cách không thể tốt hơn".
"Smartphone dòng KEY, bắt đầu với KEYone, được cộng đồng BlackBerry rất kỳ vọng. Các sản phẩm dòng KEY sau đó cũng đã đáp ứng nhu cầu người dùng bằng sự kết hợp giữa phần cứng của TCL và những tính năng phần mềm, bảo mật nổi tiếng của BlackBerry. Chúng tôi rất tự hào vì đã tạo ra các sản phẩm như thế", nội dung bức thư viết.
Sau khi kết thúc hợp tác, TCL cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng đã mua smartphone BlackBerry cho đến 31/8/2020 hoặc tuân thủ quy định bảo hành của thị trường nơi bán ra. Tuy nhiên, công ty Trung Quốc bỏ ngỏ việc quay lại hợp tác với BlackBerry và sản xuất thiết bị di động mang thương hiệu này trong tương lai.
Anandtech đánh giá, việc bất ngờ kết thúc hợp tác giữa TCL và BlackBerry có thể xem là "cú sốc" công nghệ đầu 2020, bởi thực tế công ty Trung Quốc đang khá thành công trong việc "hồi sinh" điện thoại mang thương hiệu BlackBerry.
Một số chuyên gia cho rằng, với việc "cắt đứt" với TCL, BlackBerry có thể bắt tay với một OEM khác hoặc tự mình sản xuất trong tương lai. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng hãng sẽ ngừng hẳn kinh doanh điện thoại và tập trung cho các sản phẩm chủ chốt như mảng Internet of Things và bảo mật cho doanh nghiệp.
BlackBerry - tiền thân là RIM - từng rất thành công với các mẫu điện thoại bàn phím QWERTY vật lý. Ở thời kỳ đỉnh cao (năm 2008), hãng từng khiến giới công nghệ "mất ăn mất ngủ" với loạt BlackBerry 7210, BlackBerry 7100T, BlackBerry 8700, BlackBerry Pearl 8100, BlackBerry 8800 hay BlackBerry Bold 9000. Sau đó, khi làn sóng smartphone màn hình cảm ứng tràn lên, thị phần của hãng bắt đầu giảm dần, dù đã sửa sai bằng các mẫu máy chạy BlackBerry OS. Đến năm 2016, khi thị phần dưới 1%, hãng thông báo đóng cửa mảng phần cứng.
Bảo Lâm