Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ hai, 22/4/2019, 14:16 (GMT+7)

Samsung bán TV 8K rẻ nhất thị trường

QLED Q900 có giá 119 triệu đồng cho phiên bản 65 inch, được nâng cấp chất lượng hình ảnh, thiết kế vuông vức.

QLED Q900 được Samsung đưa về Việt Nam từ giữa tháng 3, trở thành mẫu TV 8K đầu tiên bán trong nước. Ngoài phiên bản 65 inch, model này còn lên kệ với tùy chọn 75 inch giá 199 triệu đồng. Trong khi đó kích thước 82 inch giá 299 triệu đồng có thể được bán ra đợt sau và to nhất là bản 98 inch với giá lên đến 2,3 tỷ đồng, được một số đại lý đưa vào mục "hàng cần đặt trước".

So với thế hệ TV 4K đầu bảng của Samsung năm nay là QLED Q90, dòng TV 8K mới đắt hơn 15 triệu đồng cùng phiên bản 65 inch. Tuy nhiên, cùng là 75 inch, TV 8K đắt hơn 54 triệu đồng và chênh tới 100 triệu đồng với kích thước 82 inch. QLED 4K 2019 không có lựa chọn 98 inch.

Trên dòng TV 8K, Samsung sử dụng các đường nét vuông vức, đơn giản để hoàn thiện, giúp sản phẩm trông gọn gàng hơn các TV khác có cùng kích thước. Tấm nền được đẩy ra sát bốn cạnh, viền mỏng hơn một chút so với QLED đời trước. 

Mặt sau của Q900 là một mặt phẳng song song với màn hình, cách điệu dạng kim loại phay xước. Thiết kế này khi treo sẽ giúp TV "dính" sát vào tường, không còn tạo ra khoảng hở như một số model trước đây với mặt sau hơi cong.

Hãng tiếp tục sử dụng sợi cáp quang "vô hình", kết nối TV với hộp điều khiển One Connect Box gắn ngoài. Samsung thiết kế các rãnh để người dùng có thể đi dây ra chân đế hoặc gắn TV vào tường mà không bị cộm lên.

One Connect Box được làm vuông vức, phay xước tương đồng với TV. Toàn bộ cổng kết nối trên TV được đưa vào đây, bao gồm 4 đường HDMI, 3 cổng USB, optical, LAN... Nguồn điện sẽ đi vào One Connect Box và truyền năng lượng lên TV thông qua sợi cáp quang.

Chân đế tiếp tục thể hiện phong cách thiết kế tối giản của Q900 khi sử dụng hai thanh kim loại ở hai bên. Kiểu dáng này khác hoàn toàn so với chân bán nguyệt của TV QLED trước đây nhưng không mới. Điểm hơn là chân đế TV 8K của Samsung được làm ngắn mà cứng cáp, cho phép đặt TV áp sát vào tường hay bức vách. Khi không dùng, chân đế có thể cất gọn vào phần lõm (hình chữ M) phía mặt lưng TV.

Nâng cấp đáng giá nhất của QLED Q900 là tấm nền Quantum Dot 8K với 33 triệu điểm ảnh, nhiều gấp bốn lần so với chuẩn 4K. Model mới cho hình ảnh mịn, sắc nét hơn dù mới xem với nội dung Full HD hay 4K. Để giải quyết bài toán nguồn phát, Samsung áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo 8K AI Upscaling để nâng cấp chất lượng.

Dù vậy, chất lượng của nguồn phát vẫn ảnh hưởng đến trải nghiệm trên TV 8K. Với các thước phim 4K từ Netflix, QLED Q900 cho hình ảnh giàu chi tiết, màu sắc tách bạch và nhất là các vùng chuyển màu tự nhiên hơn với việc xem nội dung chỉ đạt chuẩn Full HD. Bên cạnh YouTube, Netflix hay Prime Video, TV Samsung năm nay còn hỗ trợ iTunes với kho nội dung chất lượng nhưng người dùng hiện chưa được truy cập.

Sản phẩm mới hỗ trợ chuẩn HDR+, cho độ sáng lên đến 4.000 nits, gấp đôi so với dòng 2019 và tương đương tiêu chuẩn của các studio. TV 8K Q900 tiếp tục có chế độ Ambient mode, cho phép màn hình hiển thị họa tiết, các tác phẩm nghệ thuật thay vì là một mảng màu đen khi không xem.

Thế hệ TV 8K tích hợp hệ điều hành thông minh Tizen với giao diện dễ dùng, có nhiều kho nội dung và ứng dụng thiết kế riêng cho người Việt. Điều khiển đi kèm khá giống đời trước, được làm bằng kim loại với ít phím bấm, thêm nút mở nhanh Netflix, Prime Video của Amazon hay truy cập web. Remote hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói nhưng giới hạn mở một số khẩu lệnh, chưa cho phép điều khiển theo ngôn ngữ tự nhiên.

QLED 8K thiết lập một phân khúc mới cho những khách hàng muốn mua TV cao cấp tại Việt Nam. Trong khi Samsung đã thương mại hóa thì công ty "đồng hương" LG hay đối thủ Sony mới rục rịch lên kế hoạch đưa TV 8K về nước và có thể phải đến giữa hoặc cuối năm nay mới có hàng. Ngoài bán sớm, mức giá cũng có thể là lợi thế khác của Samsung Q900 trước các mẫu TV 8K của đối thủ.

Đình Nam