Thứ năm, 18/4/2024
Thứ hai, 22/7/2019, 00:00 (GMT+7)

Những nền tảng nổi tiếng thu thập dữ liệu người dùng

Hầu hết ứng dụng, mạng xã hội miễn phí đều thu thập dữ liệu người dùng, như Facebook, Twitter hay TikTok.

Facebook

Mạng xã hội lớn nhất thế giới là ví dụ điển hình và biến dữ liệu người dùng thành thứ "hái ra tiền". Ngay từ bước đăng ký, Facebook đã yêu cầu cung cấp email, số điện thoại, tên, tuổi, địa chỉ... Trong quá trình hoạt động, nó sẽ tiếp tục thu thập vị trí, các hành động, thói quen sử dụng, nội dung tìm kiếm... Những thông tin này sau đó được dùng để phân tích cho quảng cáo hướng đối tượng. Sau bê bối Cambridge Analytica, có thể thấy dữ liệu người dùng Facebook còn được sử dụng để tác động đến bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, thậm chí là những mục đích mờ ám khác.

Bên cạnh Facebook, hai nền tảng nổi tiếng khác của mạng xã hội này là Instagram và WhatsApp cũng có cơ chế thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng tương tự. Có thông tin cho rằng các nền tảng này sẽ liên thông với nhau để hoạt động trong tương lai.

Twitter

Tương tự Facebook, Twitter cũng thu thập dữ liệu người dùng ngay từ khi đăng ký. Những thông tin như tên, tuổi, số điện thoại, email, vị trí địa lý, thói quen sử dụng... được lưu trữ, phân tích và chủ yếu dùng cho mục đích quảng cáo.

Google

Gã khổng lồ tìm kiếm được đánh giá là mối đe dọa không kém so với Facebook bởi cũng có khối lượng thông tin người dùng rất lớn, bao gồm khả năng theo dõi việc sử dụng trang web, dịch vụ hay ứng dụng của hãng.

Nguồn thu thập dữ liệu của Google thậm chí vượt xa các nền tảng khác, bởi công ty có hàng loạt dịch vụ với tỷ người sử dụng như Search, Gmail, YouTube... Chúng đang có mặt trên hàng tỷ thiết bị (trong đó có hơn 2 tỷ thiết bị Android) và đây chính là nguồn cấp dữ liệu cực kỳ lớn cho Google. Đó là chưa kể Google Analytics - nền tảng phân tích dữ liệu phổ biến nhất trên Internet, được được tích hợp vào trong 30 đến 50 triệu trang web trên thế giới, hay đơn giản hơn là lượng dữ liệu có được từ lịch sử duyệt web của Chrome cũng giúp hãng tìm kiếm Mỹ nắm trong tay mọi thứ.

Bằng cách sử dụng lượng lớn dữ liệu cá nhân trên vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, các đối tác đặt quảng cáo có thể xác định những ai, ở đâu thật sự quan tâm đến sản phẩm của họ.

TikTok

Ứng dụng di động cho phép xem clip nhạc, quay video ngắn và chèn hiệu ứng đặc biệt đến từ Trung Quốc cũng ghi nhận rất nhiều dữ liệu. Ngay trong điều khoản sử dụng, TikTok yêu cầu: "Bạn thừa nhận và đồng ý rằng chúng tôi có thể tạo doanh thu hoặc tăng giá trị từ việc sử dụng dịch vụ của bạn, gồm bán quảng cáo, tài trợ, khuyến mãi...".

FaceApp

Ứng dụng tới từ nước Nga bị nghi vấn thu thập dữ liệu người dùng sau khi các chuyên gia phát hiện hình ảnh được xử lý trên "đám mây" thay vì trên thiết bị cài đặt nó, như những phần mềm chỉnh sửa ảnh thông thường khác. Theo Forbes, ứng dụng FaceApp đã có dữ liệu của hơn 150 triệu người dùng trên thế giới chỉ trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, điều khoản của ứng dụng này cũng chối bỏ trách nhiệm đối với người sử dụng: "Khi đồng ý, bạn đã cấp cho FaceApp một giấy phép vĩnh viễn, không thể hủy ngang, không giới hạn, miễn phí bản quyền, hợp lệ trên toàn thế giới. FaceApp có quyền chuyển nhượng, tái bản, sửa đổi, điều chỉnh, xuất bản, phân phối, đăng tải công khai nội dung của bạn cùng với bất kì thông tin tên tuổi, ảnh chân dung đi kèm dưới bất kỳ dạng thức hiển thị nào mà không phải bồi thường. Khi bạn chia sẻ nội dung người dùng thông qua ứng dụng của chúng tôi, bạn hiểu rằng nội dung đó cùng những thông tin liên quan như tên, ảnh chân dung, thông tin vị trí... được hiển thị công khai".

Bảo Lâm tổng hợp