Đối với Facebook, ngày mai được ví như bài kiểm tra cuối kỳ đáng sợ. Đó là khi Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook, sẽ đổi từ chiếc áo phông xám quen thuộc sang bộ vest thắt cravat, để bước vào phiên điều trần kéo dài hai ngày tại Quốc hội Mỹ.
Tại đây, Zuckeberg sẽ xin lỗi về những sai lầm của Facebook, trấn an Quốc hội rằng Facebook sẽ ngăn chặn các thế lực bên ngoài sử dụng mạng xã hội này để can thiệp vào bầu cử ở Mỹ và cụ thể hóa các hành động của công ty nhằm bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư cho người dùng.
Để chuẩn bị cho lời khai của Zuckerberg, Facebook đã dành vài tuần cuối để cố gắng biến đổi hình ảnh công khai của mình từ một công ty bí mật sang hình mẫu cởi mở hơn, sẵn sàng thông tin về quyền riêng tư và các biện pháp chống lạm dụng. Facebook cũng chuẩn bị để giám đốc điều hành công ty sẵn sàng trước nhiều cuộc phỏng vấn.
Cụ thể, Facebook đã thuê một nhóm chuyên gia, trong đó bao gồm cựu trợ lý đặc biệt cho Tổng thống George W. Bush, nhằm đưa Zuckerberg, 33 tuổi, một nhà lập trình không thoải mái khi nói chuyện trước công chúng, trở nên khiêm tốn và quyến rũ hơn thông qua một khóa học. Kế hoạch được vạch ra để khi nói chuyện với Ủy ban Thương mại và Tư pháp Thượng viện, Zuckerberg sẽ có thể trình bày về những thay đổi và trả lời được hàng loạt câu hỏi.
Lời khai của Zuckerberg sẽ đại diện cho một trong những thử nghiệm lớn nhất về sự nghiệp của ông và là điểm quan trọng cho tương lai của Facebook. Các hoạt động thu thập dữ liệu của Facebook, cốt lõi trong mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo của công ty, đã được kiểm soát kỹ lưỡng trong những tuần gần đây vì công ty bị cáo buộc phải ước tính lại số người bị rò rỉ thông tin và đã thừa nhận rằng hầu hết trong số hai tỷ người dùng có thể đã bị lấy dữ liệu thông qua các "phễu lọc" của bên thứ ba.
Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, là một trong những người có tiếng nói trong giới công nghệ đã lên tiếng về việc Facebook kiếm tiền từ dữ liệu người dùng và gọi sự bảo mật của người dùng là "quyền con người".
Trước chuyến đi của Zuckerberg tới Washington, Facebook đã thuê một nhóm từ công ty luật WilmerHale cũng như các chuyên gia tư vấn bên ngoài để hướng dẫn ông trả lời những câu hỏi mà các nhà lập pháp có thể yêu cầu, chỉ ông cách phản ứng lại khi câu trả lời bị gián đoạn. Facebook cũng đã xây dựng các buổi điều trần giả định, trong đó đội ngũ truyền thông của công ty và cố vấn sẽ đóng vai trò như các thành viên Quốc hội.
Nhân viên nội bộ thúc Zuckerberg trả lời trực tiếp các câu hỏi của các nhà lập pháp và không tỏ ra quá thủ thế. Mục tiêu của Facebook là Zuckerberg xuất hiện với hình ảnh kiêm tốn, dễ chịu và thẳng thắn nhất có thể. Reginald J. Brown, cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống George W. Bush, đang chỉ đạo nhóm WilmerHale. Một phát ngôn viên của Facebook từ chối bình luận xung quanh thông tin này.
Khi các câu hỏi về vai trò của Facebook trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư xuất hiện, ông chủ Facebook ban đầu đã cố gắng lẩn tránh sự chú ý của truyền thông, né tránh các câu hỏi công khai của các nhà làm luật tại Mỹ và châu Âu. Thay vào đó, ông cử những trợ lý của mình, bao gồm COO Sheryl K. Sandberg và cố vấn Colin Stretch, để trả lời các câu hỏi từ các nhà lập pháp cũng như báo giới.
Nhưng tháng trước, scandal mới nhất của Facebook đã khiến Zuckerberg không thể tiếp tục trốn tránh, khi vụ việc cho biết Cambridge Analytica, một công ty tư vấn chính trị liên quan đến chiến dịch tranh cử 2016 của Tổng thống Trump, đã thu thập dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook.
Facebook thường giấu bặt các hoạt động nội bộ của mình nhưng các lãnh đạo của công ty đã thay đổi mạnh mẽ trong những tuần qua. Zuckerberg đã tổ chức một cuộc họp hiếm hoi với các phóng viên, trong đó ông thừa nhận "một sai lầm to lớn" là công ty không lường trước được các công cụ của mình có thể bị lợi dụng thế nào. Tiếp theo, Facebook tuyên bố bắt đầu yêu cầu xác minh danh tính với các quảng cáo liên quan đến chính trị.
Trong những tuần gần đây, công ty siết chặt chính sách chia sẻ dự liệu và đưa ra một hệ thống kiểm soát cài đặt bảo mật và quyền riêng tư cho người dùng theo hướng đơn giản hóa.
Mark Zuckerberg sẽ điều trần trước Ủy ban Thương mại và Tư pháp Thượng viện hôm 11/4 (giờ Mỹ) và Ủy ban Thương mại và Năng lượng một ngày sau đó. Tại đây, các thành viên đảng Dân chủ sẽ yêu cầu ông giải thích về các bê bối xung quanh quyền riêng tư và cách mà mạng xã hội này chống lại sự can thiệp có thể xảy ra vào cuộc bầu cử giữa năm nay. Những người thuộc đảng Cộng hòa quan tâm đến các quy định về quyền riêng tư và các thiên vị chính trị xảy ra trên mạng xã hội.
Vấn đề với Zuckerberg là ông có thể tiếp tục lảng tránh đồng thời tiếp tục chọc giận các nhân viên chính phủ, điều khiến sự tấn công nhắm vào Facebook càng trở nên mạnh hơn. Cổ phiếu của công ty đã giảm khoảng 15% trong ba tuần, kể từ khi thông tin Cambridge Analytica sử dụng trái phép dữ liệu được công khai.
Nhóm chính sách và truyền thông của công ty với hơn 500 người cũng như các công ty xử lý khủng hoảng truyền thông bên ngoài đang nỗ lực kiểm soát Facebook và cho rằng vụ việc là chưa từng có trong lịch sử 14 năm của công ty.
Ngoài chính quyền, Zuckerberg cũng cần gây ấn tượng với một nhóm quan trọng khác trước phiên điều trần, đó chính là những nhân viên của Facebook. Một số nhân viên của công ty bắt đầu đặt câu hỏi về sự lãnh đạo của công ty khi cuộc khủng hoảng trở nên lan rộng.
Căng thẳng nội bộ Facebook bắt đầu trở nên sục sôi khi một bản tin nội bộ vào 2016 của Andrew Bosworth, một nhà quản trị cao cấp của Facebook đã được BuzzFeed News, đăng tải. Bản ghi nhớ đề cập đến chiến lược tăng trưởng bằng mọi giá của Facebook đã khiến một số nhân viên của công ty lo lắng về những gì rò rỉ trong tương lai. Một số khác cho rằng Facebook nên nhìn thẳng về trách nhiệm của mình trong vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng.
Khi sự giám sát dành cho Facebook tăng lên, một số nhân viên của công ty cảm thấy không vui và muốn chuyển sang các bộ phận khác chẳng hạn Instagram hay WhatsApp. Westin Lohne, một nhà thiết kế sản phẩm tại Facebook, nói trên Twitter rằng ông đã bỏ việc vì không chung quan điểm đạo đức với các nhà lãnh đạo công ty.
"Về mặt đạo đức, rất khó để tiếp tục làm việc tại Facebook", Lohne viết.
Bảo Anh
(theo NYTimes)