Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 10/7/2018, 13:25 (GMT+7)

Dân chơi ampli đèn tự chế hội tụ tại TP HCM

Cuộc thi ampli đèn tự chế của một diễn đàn âm thanh tại Việt Nam quy tụ dân chơi với nhiều sản phẩm chất lượng tham dự.

Cuối tuần trước, hàng trăm dân chơi và người yêu thích âm thanh đã có mặt tại một Trung tâm hội nghị ở TP HCM để tham dự VNAV Contest 2018 - cuộc thi thường niên dành cho giới DIY thiết bị âm thanh. Theo Ban tổ chức, sự kiện thu hút gần 300 người với hàng chục ampli đèn đăng ký tham gia nhưng Ban giám khảo chỉ chọn 9 bộ vào chung kết. 

Như mọi năm, Ban tổ chức vẫn sử dụng bộ dàn tham chiếu riêng làm thước đo để chấm giải. Hệ thống trình diễn tham chiếu gồm ampli Unison Reference, nguồn phát đầu CD Accuphase DP-5600, preamp Accuphase C-2450 và cặp loa JBL Everest DD 67000. Bên cạnh các bài nhạc được chọn lọc, các ca sĩ cũng được mời đến biểu diễn nhằm tạo ra âm thanh với mức độ trung thực cao nhất.

Quy định thi năm nay vẫn như mọi năm, các thiết bị dự thi được giấu đằng sau sân khấu và Ban giám khảo không hề biết chúng do ai tạo ra. Điều này giúp việc chấm thi diễn ra công bằng và chính xác nhất. Năm nay VNAV Contest xuất hiện nhiều ampli sử dụng nhiều loại bóng đèn công suất lớn chất lượng cao, có thể chia thành ba nhóm. Nhóm bóng ba cực 845, 211, GM70 - ưu điểm là tạo ra âm thanh hấp dẫn và công suất tiêu thụ năng lượng không quá lớn nhưng lại rất khó trong việc phối ghép linh kiện khác cũng như điều chỉnh các thông số liên quan đến hiệu điện thế xoay chiều dao động (swing voltage); nhóm bóng 250TH, 810, 833, 4-250 - cho chất lượng âm thanh hay nhưng lại có hệ số khuếch đại khá cao, đòi hỏi phải cung cấp dòng điện lớn, trở kháng ra thấp, hoặc đòi hỏi biến thế nối tầng phải là loại cao cấp, riêng 250TH, 833 đòi hỏi cung cấp một mức điện áp cực lớn, cỡ trên 1.000V mới có thể đem lại chất lượng âm thanh tốt; và nhóm bóng KT88, 4146 khá thông dụng - ưu điểm của chúng là lắp ráp dễ nhưng yêu cầu dân chơi tay nghề cao mới có thể điều chỉnh cho ra âm thanh hay.

Ban giám khảo là những thành viên gạo cội của diễn đàn VNAV và có nhiều năm làm giám khảo ở các cuộc thi về âm thanh hi-end của VNAV trước đây. "Trong hơn 5 năm làm giám khảo, tôi thấy chất lượng ampli năm nay rất cao và đồng đều nhất. Điều đó khiến cho tôi cũng như các anh em giám khảo rất khó để quyết định ai là người nổi bật hơn", anh Phạm Thanh Cương, một thành viên của Ban giám khảo cho hay.

Kết quả, anh Lê Trọng Đoàn đã đoạt giải ba với ampli 250TH SE. Dân chơi có 18 năm chơi ampli đèn này cho biết, mình và cộng sự mất hơn 2 tuần để hoàn thành "tác phẩm". "Đây là lần đầu mình thử sức với bóng đèn 250TH nên gặp khó trong việc kết hợp với các bóng khác cho âm thanh tốt. Tuy nhiên, kinh nghiệm đã giúp mình và nhóm hoàn thiện tác phẩm sớm hơn mong đợi", anh Đoàn chia sẻ.

Mẫu KT88PP của anh Võ Ngọc Minh 16 năm chơi ampli đèn giành giải nhì. Anh Minh cho biết, nhóm của anh đã lên ý tưởng và thiết kế ampli này trong một tháng và thêm một tháng nữa để lắp ráp và thử nghiệm. "Cuộc thi năm nay khá khó vì phải 'đối đầu' với rất nhiều cao thủ, do đó chúng tôi phải làm việc nhiều hơn, khó khăn hơn nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn bởi bóng đèn được tích hợp cần nguồn điện cao, rất dễ xảy ra tai nạn nếu không cẩn thận. Bản thân tôi cũng đã bị điện giật không ít lần", anh Minh kể.

Giải nhất thuộc về anh Trần Hoàng My với mẫu ampli 833-SE. Dân chơi với hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết, mình cũng mất gần 6 tháng để hoàn thành "đứa con tinh thần" và mang đi thi đấu. "Điểm đặc biệt của chiếc ampli này là sử dụng bóng 833 công suất lớn, đòi hỏi điện thế trên 1.000V. Việc phối hợp với các linh kiện khác không dễ dàng. Tuy nhiên, khi thành công, ampli có thể chơi được rất nhiều thể loại nhạc, cũng như tương thích đa dạng các mẫu loa", anh My nhấn mạnh.

Tự ráp ampli đèn công suất lớn được giới chơi âm thanh xem là "cảnh giới" cao so với các loại ampli và dàn âm thanh bình thường. Người chơi không chỉ tự mình thiết kế kiểu dáng, tự quấn biến thế mà còn phải lắp bóng đèn điện tử có công suất lớn, lên tới vài trăm watt và chịu điện áp tới hàng nghìn volt. Những bóng đèn loại này trước đây thường được sử dụng làm bóng công suất trong các trạm phát sóng, hoặc trong các thiết bị quân sự (transmitting tube) nhưng sau đó được mua về phục vụ phối ghép, chế tạo ampli. Ampli đèn công suất lớn chinh phục phần đông giới chơi âm thanh ở chất âm riêng, thể hiện được các dòng nhạc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi tiết tấu chi tiết, chính xác như Jazz, Classic, Country, Blues... Ngoài ra, ampli đèn công suất lớn còn hỗ trợ giảm độ méo của âm thanh, phối ghép được nhiều loại loa độ nhạy thấp, công suất lớn, cũng như tương thích đa dạng loa, nhất là với các cặp loa cũ vốn được dân chơi hoài cổ yêu thích.

Bảo Lâm