Sự việc đau lòng xảy ra với tài xế taxi mang biển kiểm soát 29A - 973.24 trong trận mưa dông với cường độ mạnh kéo dài trong suốt một giờ, chiều 4/6 khiến nhiều người hết sức sửng sốt và đau lòng. Với một thành phố hiện đại và phát triển bậc nhất như Hà Nội, việc cây xanh đè chết người trở thành điều vô lý nhưng dù vô lý, nó vẫn đã xảy ra.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Không ít cây xanh, người đi đường bị gió quật ngã trong trận cuồng phong, nhiều người vẫn còn bàng hoàng khi đang ở ngoài đường trong thời khắc ấy. Tai nạn xảy ra với tài xế xấu số có lẽ là lời chuông cảnh tỉnh cho các ban ngành liên quan. Vậy câu hỏi được đặt ra sau tai nạn thương tâm ấy là trách nhiệm thuộc về ai? Ai sẽ đứng ra nhận trách nhiệm khi cây xanh đè chết người?
Câu hỏi này nhận được vô số sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhiều người tỏ ra bức xúc, hoài nghi về trách nhiệm sau cái chết của tài xế taxi. “Những trường hợp không may bị cây xanh, cột đèn đè lên, gây tai nạn cho người và hủy hoại tài sản thì có ai hay cơ quan nào chịu trách nhiệm không?”, bạn đọc tên Thanh thắc mắc.
Trong khi đó, nickname Đinh Hoàng cũng có cùng câu hỏi: “Ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết của lái xe tắc xi và các thiệt hại kèm theo? Gió không to nhưng cây cổ thụ bị chặt rễ bị đổ, gây hậu quả nghiêm trọng. Phải chăng đây là lỗi của sở giao thông công chính hay môi trường đô thị?
Có vô vàn ý kiến phân tích, giải thích cho việc cây xanh đè chết người. Thành viên Văn Phương nhận định: “Ở Hà Nội, rễ cây toàn ăn bề mặt, dưới bị bê-tông hóa nên dễ bị đổ. Nhiều khi trồng cây đào hố không đủ sâu”
Độc giả Minh Nhật góp ý: “Tôi đã sống và đi qua nhiều nước Châu Âu nhưng tuyệt nhiên không thấy họ trồng nhiều cây lớn ngay sát đường giao thông như ở Việt Nam ta. Vừa khuất tầm quan sát biển báo giao thông và có thể xảy ra tai nạn đáng tiếc như hôm qua tại Hà Nội”.
“Họ dành nhiều quỹ đất để xây dựng công viên và cây lớn sẽ được trồng tại đây. Đành rằng mỗi vùng đất có đặc thù riêng, nhưng thiết nghĩ cái gì của họ hay, ta nên học , Minh Nhật nói tiếp.
Bạn đọc Trần Hữu Tuấn cho rằng: “Do bê tông hóa hết đến tận gốc cây, nước xi măng đã làm thối hỏng rễ cọc chỉ còn rễ nuôi cây, làm gì mà cây không đổ được. Đề nghị Công ty cây xanh tại các đô thị có biện pháp, nghiên cứu để loại bỏ những cây này để người dân khỏi chết oan".
Nỗi sợ khi ra đường mùa mưa
Việc cây xanh đổ, gãy trong những ngày mưa giông thất thường không còn là chuyện lạ, những tai nạn thương tâm xảy ra do cây quật, gió lùa khiến nhiều người sợ hãi, không dám bước ra đường vào mùa mưa.
Không ít trường hợp người đi đường bị gió quật ngã, thổi xa vài mét vì thế ra khỏi nhà vào mùa mưa là nỗi lo thường trực của người dân thủ đô.
Facebooker Toàn Nguyễn chia sẻ: “Vào mùa mưa, tôi không dám ra đường, bởi vì sợ cây đổ gãy, đè vào người. Những cơn mưa giông bất chợt đối với nhiều người trở thành nỗi lo sợ thường trực”.
“Thật ghê sợ, nhìn thấy trời mua to, mình không dám đi ra ngoài luôn, xin chia buồn cùng gia đình bác tài xế”, nickname Dqmimosa nói.
Vậy phải làm sao để những tai nạn tương tự không xảy ra?
Qua sự việc trên, nhiều ý kiến góp ý được đưa ra nhằm hạn chế những tai nạn thương tâm xảy ra trong tiết trời nắng hạn, mưa giông thất thường tại Hà Nội và một số vùng trên cả nước.
“Cây cổ thụ nhưng lại bị chặt hết rễ khi gặp gió sẽ đổ, rất nguy hiểm. Hà Nội nên tổng kiểm tra lại các cây cổ thụ để tránh những sự việc đáng tiếc như thế này”, nickname Trung Dũng nói.
Đồng quan điểm trên, thành viên Tính chia sẻ: “Trong hiện trạng cây xanh trong thành phố hay ngã đỗ cây xanh, Công ty cây xanh hãy xem lại các cây này. Đồng thời người dân cũng đừng nên ra ngoài đường trong lúc trời mưa bão".
Thành viên Vũ Văn Dũng góp ý: “Mấy mùa mưa bão gần đây đều xảy ra hiện tượng cây đổ ở Thủ đô Hà Nội. Để hạn chế cây đổ sau này, đề nghị Công ty môi trường, đô thị cần phải khảo sát, thăm dò và đánh giá các cây có độ an toàn thấp. Phải có phương án thay thế, tỉa bớt cành những cây um tùm trước khi vào mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn cho ngừơi dân và tài sản xã hội”.
“Tôi nghĩ nên tổng kiểm tra các cây cổ thụ,nếu cây nào không đủ tiêu chuẩn thì chặt bỏ,cây quý thế nào nhưng đã làm chết người thì phải dứt khoát đốn hạ”, độc giả Hồ Thanh Phúc chia sẻ
Bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn đúc kết: "Hà Nội nên cho rà soát ngay và loại bỏ những loại cây xanh có rễ mọc nông hoặc không chắc chắn. Nên quy định cấm trồng những loại cây này vì năm nào Hà Nội chẳng có mưa bão, trong khi đó Hà Nội lại có mật độ người dày đặc, nên cứ vào mùa mưa bão sẽ lại có cây đổ, lại tai nạn, lại bị hư hỏng tài sản... Thiệt hại vô cùng lớn kéo theo chỉ vì ta cứ cho trồng những loại cây dễ bật gốc để rồi lại chờ cây đổ... lại thiệt hại... thật phiền phức chỉ vì không tính toán kỹ".
>> Xem thêm: Đau xót khi thi thể tài xế taxi được đưa ra ngoài
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.